Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

MĨ HỌC ĐẠI CƯƠNG


Thuật ngữ mỹ học (có người còn gọi là Thẩm mỹ học, esthétique) lần đầu tiên được nhà triết học người Đức A. Baumgarten (1714 - 1762) sử dụng vào năm 1735 trong tuyển tập các bài báo của ông nhan đề Những suy niệm triết học về các vấn đề liên quan tới sáng tác thi ca. Nhưng phải đến năm 1750 và sau đó 1758, khi hai tập Mỹ học của A. Baumgarten lần lượt ra đời thì khái niệm này mới được dùng rộng rãi.
Tuy nhiên, mỹ học như một ngành khoa học thì nảy sinh rất sớm trong lòng xã hội nô lệ ở phương Đông cũng như phương Tây. Lúc này, nó được coi như là một bộ phận của triết học - môn khoa học tìm hiểu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy. Sự nảy nở của các học thuyết mỹ học đặc biệt rầm rộ ở Trung Quốc và Hy Lạp thời cổ đại.
                Trong  thời Xuân Thu – Chiến Quốc ở Trung Quốc, các khuynh hướng tự tưởng lớn như Khổng giáo, Lão giáo, Mặc giáo và Pháp gia… nảy sinh, luôn tranh giành ảnh hưởng với nhau. Các quan niệm về đạo đức, chính trị, thẩm mỹ… đua nhau phát triển. Đã xuất hiện không ít quan niệm thẩm mỹ độc đáo, rất  đáng lưu tâm tìm hiểu. Cái hay là chúng thường được trình bầy dưới hình thức những câu chuyện có tính ngụ ngôn, khá sinh động và thấm thía. Chẳng hạn câu chuyện về công việc sáng tạo của họa sĩ trongHàn Phi Tử. Người đại diện lớn nhất của phái Pháp gia này kể rằng, có một nghệ sỹ người nước Tề, nhân Tề Công hỏi vẽ vật gì khó nhất, ông đáp: “Vẽ chó, ngựa và những con thú khác”; còn đối với câu hỏi vẽ gì dễ hơn cả thì ông đáp: “Vẽ ma, quỷ và những tà lực khác”. Liền sau đó, người họa sỹ giải thích như sau: “Hàng ngày, mọi người đều thấy ngựa và biết rõ ngựa như thế nào. Chỉ cần lầm lẫn chút ít trong bức họa là họ lập tức bàn tán. Còn ma quỷ thì chẳng có một nhận thức rõ rệt nào về chúng cả, do vậy vẽ chúng là chuyện dễ”. Hàn Phi Tử quan niệm giá trị của các tác phẩm nghệ thuật chỉ được xác định trong tương quan với người tiếp nhận chúng, mà người cảm thụ thì bao giờ cũng dùng sự từng trải của chính mình để đánh giá tác phẩm. Bởi vậy, nghệ thuật muốn có ý nghĩa phải gắn với hiện thực đời sống. Mọi tưởng tượng tách rời thực tại đều quái đản và huyễn hoặc. Sáng tạo nghệ thuật được coi là một hình thức lao động công phu là vì thế. Ý nghĩa mỹ học của câu chuyện này đâu có nhỏ và đâu có giới hạn chỉ ở thời trước.
                Hy Lạp thời cổ đại cũng từng sản sinh ra nhiều nhà triết học, nhiều nhà mỹ học lỗi lạc. Một trong những tên tuổi lừng danh là Heraklite (540 - 480 TCN). Với ông, chân lý luôn là cụ thể. Ông cho rằng: “Lừa thích rơm hơn vàng”. Ông còn nói: “Nước biển sạch nhất đồng thời bẩn nhất. Đối với cá nó dùng để uống và nó vô hại. Còn đối với con người, nó không dùng để uống được và nó có hại”. Từ đó Heraklite chủ trương tính tương đối của cái đẹp. Ông nói: “Con khỉ đẹp nhất cũng là xấu so với loài người; và con người hoàn thiện nhất khi so với thần thánh cũng chỉ như một con khỉ”. Những quan niệm mỹ học sâu sắc và đặc sắc tương tự có thể dễ dàng tìm trong các công trình lý luận của các nhà tư tưởng ở Hy Lạp thời cổ đại.
                Rõ ràng, các học thuyết mỹ học đã nảy sinh từ rất sớm trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Tuy nhiên, mỹ học với tư cách là một ngành khoa học độc lập lại phải chờ tới thời cận đại. Một trong những yếu tố quan trọng giúp mỹ học tách dần ra khỏi triết học là việc xác lập được đối tượng đặc thù của ngành khoa học này.
_________________________________________________
Phần I
ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA MỸ HỌC
Trả lời câu hỏi “mỹ học là gì?” thực chất là đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “mỹ học nghiên cứu cái gì?”. Mỗi ngành khoa học - khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay khoa học nhân văn, muốn tồn tại như một ngành độc lập thì phải xác định đối tượng nghiên cứu chuyên biệt của mình. Từ cổ xưa, một tác giả khuyết danh của công trình nổi tiếng Về cái cao cả đã xác định hai yêu cầu cơ bản đặt nền tảng cho bất cứ một ngành khoa học nào gồm: Một là, cần xác định đối tượng nghiên cứu của mình; và hai là, cần tìm tòi và chỉ ra các phương pháp chiếm lĩnh đối tượng này. Chính Hegel trong tác phẩm Khoa học lôgic, khi trình bầy về vai trò của việc xác định đối tượng của ngành khoa học này cũng đã nói rất đúng rằng: không am hiểu đối tượng của lôgic học thì không thể nói trước nó là gì cả. 
Vậy đâu là đối tượng đặc thù của mỹ học? Nói cách khác, mỹ học nghiên cứu cái gì trong thế giới thực tại muôn màu muôn vẻ? Không dễ tìm ngay được câu trả lời xác đáng. Đó là quá trình tìm tòi không mệt mỏi của nhiều nhà mỹ học danh tiếng thuộc nhiều dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.
 ___________________________________________________
Chương 1:
 QÚA TRÌNH XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG CỦA MỸ HỌC TRONG LỊCH SỬ
                Các học thuyết mỹ học trong quá khứ thường tập trung sự tìm tòi vào hai lĩnh vực chính: cái đẹp  nghệ thuật. Có thể thấy rõ điều đó trong tư tưởng mỹ học của những đại diện lớn nhất cho các giai đoạn phát triển của mỹ học nhân loại như: Platon (427 - 347 TCN), Aristote (384 - 322 TCN), Leonardo da Vinci (1452 - 1519), Diderot (1713 - 1784), Lessing (1729 - 1781), Kant (1724 - 1804), Hegel (1770 - 1831), Bielinxki (1811 - 1848), Tsecnưsepxki (1828 - 1889)…
                Platon là nhà triết học, nhà mỹ học duy tâm nổi tiếng của Hy lạp cổ đại. Cũng như nhiều nhà mỹ học khác, quan niệm thẩm mỹ của ông gắn bó và chịu sự chi phối của quan niệm triết học. Hạt nhân của triết học Platon là thuyết ý niệm (tức tinh thần, linh hồn). Ông chia thực tại ra làm hai thế giới: thế giới ý niệm, cái ta có thể biết nên gọi là thế giới khả niệm; thế giới vật thể, cái ta có thể thấy nên gọi là thế giới khả thị. Trong đó, theo ông, chỉ có thế giới ý niệm mới “tồn tại chân thực, nó có trước và sản sinh ra các vật thể cảm tính”. Từ quan niệm triết học đó, khi đi vào mỹ học, ông cho rằng mặc dù có cái đẹp vật chất  cái đẹp tinh thần,nhưng chỉ có cái đẹp tinh thần, cái đẹp của ý niệm mới là cái đẹp vĩnh hằng, tuyệt đối. Ông viết: “Cái đẹp là tự nó”. Khi có ý định giải thích cái đẹp của nghệ thuật, ông chủ trương thuyết “bắt chước”. Ông không khước từ việc tái hiện thực tại của nghệ thuật, nhưng vì thế giới vật thể cảm tính chỉ là cái bóng của ý niệm, nên với Platon chủ trương: “Nghệ thuật chỉ là cái bóng của cái bóng”.  Nghệ thuật cách xa chân lý tới ba bậc nên nó là “ảo ảnh”, không có giá trị nhận thức.
                Aristote là học trò xuất sắc của Platon, nhưng về mặt tư tưởng, cơ bản ông đi ngược lại quan niệm của thầy mình. Các công trình của ông bao trùm lên nhiều lĩnh vực khác nhau, và ở lĩnh vực nào ông cũng vươn tới những đỉnh cao mà thời đại cho phép. K. Marx gọi ông là “nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại”. Về mặt triết học, Aristote chống lại cách phân chia thực tại thành hai thế giới đối lập, siêu hình, mà cho rằng chỉ có duy nhất một thế giới vật thể tồn tại, trong đó có sự thống nhất giữa vật chất (nghĩa làbản chất bên trong) với hình thức (nghĩa là hiện tượng bên ngoài). Trên cơ sở nhận thức như vậy về thế giới, ông thừa nhận đặc tính khách quan của cái đẹp. Trong công trình nổi tiếng Siêu hình học, ông nói đẹp là trật tự của sự hài hòa, cân xứng. Trong Thi pháp học, ông đã bổ sung thêm tính xác định, hữu hạn và thống nhất. Cũng như Platon, ông theo thuyết “bắt chước” (nghĩa là tái hiện) vật thể cảm tính (thế giới hiện thực) trước hết là cái đẹp của thực tại, trung tâm là vẻ đẹp của con người. Mỹ học của ông thấm nhuần ý nghĩa nhân bản cao cả bên cạnh tính duy vật sâu sắc. Ông yêu cầu nghệ sỹ phải “diễn tả cái có thể xảy ra” theo bản chất và quy luật tất yếu. Cao hơn, ông còn trao cho nghệ sỹ cái quyền “bổ sung vào cái không có trong tự nhiên”. Tính lý tưởng được khẳng định cùng với tính hiện thực. Ông đặc biệt đề cao ý nghĩa nhận thức và ý nghĩa giáo dục của nghệ thuật. Lý thuyêt về khả năng “thanh lọc hóa” tâm hồn người xem của bi kịch được ông phát hiện cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
                Qua thời trung đại, nhân loại bước sang thời Phục hưng - thời đại đã sản sinh ra những “người khổng lồ” về tư tưởng, trong đó có tên tuổi của Leonardo da Vinci - danh họa người Italia. Theo kiến giải của ông, cái đẹp tồn tại trong những thuộc tính của chính bản thân sự vật, hiện tượng, trong sự kết hợp hài hòa giữa các bộ phận, nhất là màu sắc và âm thanh của chúng. Trong cuốn Bàn về hội họa, ông khẳng định: “Chúng ta học tập tự nhiên chứ không học tập các họa sỹ khác, những người mà bản thân họ cũng chỉ là con đẻ của tự nhiên mà thôi”. Ông rõ ràng đã kế thừa những tinh hoa tư tưởng của các bậc tiền bối. Ông phát triển khả năng chiếm lĩnh cái đẹp ở người nghệ sỹ bằng việc vận dụng các phương tiện khoa học. Ông đặt nghệ thật, trươc hết là hội họa, ngang hàng với khoa học về ý nghĩa và phương thức phản ánh thực tại là vì thế.
                Diderot là đại diện xuất sắc cho thời Khai sáng khi nhiều vấn đề mỹ học được nghiên cứu một cách sâu sắc. Ông là nhà triết học, nhà văn, nhà lý luận nghệ thuật lừng danh người Pháp. Trong công trình Nghiên cứu triết học về nguồn gốc và bản chất của cái đẹp, ông trước sau luôn khẳng định cái đẹp vốn là thuộc tính của nhiều đồ vật, sự vật khách quan. Diderot hiểu nghệ thuật như là sự mô phỏng tự nhiên. Ông viết: “Thiên nhiên là mô hình đầu tiên của nghệ thuật”. Ông yêu cầu nghệ thuật phải là phương tiện hữu hiệu để giáo dục con người: “Giới thiệu cái đạo đức cho người ta noi theo, cái tật xấu cho người ta lên án, cái lố bịch cho người ta thấy rõ – đó là nhiệm vụ của bất cứ một người chân chính nào cầm bút viết, cầm bút vẽ, cầm dao khắc”. Ý nghĩa cao quý của nghệ thuật đối với con người và cuộc sống có được một phần vì lẽ đó.
                Người đại diện chói lọi hơn cả cho phong trào Khai sáng ở Đức là Lessing. Đó là một người có học vấn toàn diện. Ông là tác giả của những công trình nghiên cứu mỹ học có tiếng như Lao Coon, Kịch trường Hăm buốc… Dựa trên quan điểm duy vật về triết học, ông chủ trương nghệ thuật mô phỏng toàn bộ tự nhiên có thể thấy trong đó cái đẹp chỉ là một bộ phận nhỏ. Sự chân thực, biểu cảm được ông coi là những quy luật chủ yếu của nghệ thuật chân chính. Theo ý kiến của ông, nghệ thuật cần phải đánh giá cuộc sống theo những quan điểm về cái đẹp và cái xấu, nhằm tác động đến đạo đức, uốn nắn những sai lạc của tầng lớp bình dân. Ông rất chú ý đến sự lệ thuộc của các loại hình nghệ thuật vào tính chất của đối tượng phản ánh. Hội họa và điêu khắc, theo Lessing, thích hợp mô tả với những vật thể được xếp đặt trong không gian, trong khi văn chương lại thích hợp với việc phản ánh những hành động xẩy ra trong thời gian. Ông đồng thời chủ trương sự pha trộn tính bi, hài trong kịch, không nhất thiết phải đảm bảo sự thuần nhất về thể loại trong nghệ thuật kịch.
                Ông tổ của nền triết học cổ điển Đức -  một trong ba nguồn gốc góp phần tạo lập nên chủ nghĩa Marx - là Kant. Với ông, cái đẹp có những phẩm chất riêng, không liên hệ qua lại với cái có ích và cái thiện. Khoái cảm do cái đẹp mang lại là hoàn toàn vô tư, vô tâm. Tư tưởng đúng đắn về nguyên tắc đó được Kant tuyệt đối hóa và bọc trong cái vỏ duy tâm chủ nghĩa. Ông quan niệm cái đẹp có tính thiên bẩm. Ông đặt trọng tâm nghiên cứu không phải ở bản thân cái đẹp của sự vật và hiện tượng mà là những điều kiện cảm thụ chúng trong quan niệm về cái đẹp của con người. Ông cả quyết viết: “Chúng ta có thể coi cái đẹp của tự nhiên là sự mô tả khái niệm hợp lý về mặt hình thức (thuần túy chủ quan)”. Tính hợp lý ông nói tới ở đây là hoàn toàn được suy xét trên cơ sở thị hiếu. Theo Kant, nghệ thuật là sự tạo dựng cái đẹp nhờ ở một trò chơi thuần túy hình thức. Không thể học để sáng tạo nghệ thuật được, vì nói đến nghệ thuât là nói đến thiên tài, mà thiên tài thì là lĩnh vực hoàn toàn huyền bí, tiên nghiệm. Đã rõ là học thuyết này của Kant đầy mâu thuẫn. Bên cạnh cái đúng có không ít cái sai, cái lầm lạc. Điều này cũng giống như di sản mỹ học của một tên tuổi vĩ đại khác: Hegel – một trong những đại diện lớn nhất cho nền mỹ học cổ điển Đức.
                Quan niệm mỹ học của Hegel tập trung trong cuốn Những bài giảng về mỹ học (1835). Ông quan niệm mỹ học chỉ nghiên cứu cái đẹp trong nghệ thuật mà thôi và chúng ta lập tức loại trừ cái đẹp của tự nhiên ra khỏi đối tượng của chúng ta. Vì sao vậy? Ông giải thích: vì không có tiêu chuẩn gì thống nhất được cái đẹp của tự nhiên vốn tồn tại một cách bàng quan, không có quy luật nào cả. Vậy là với Hegel, cái đẹp nghệ thuật ưu việt hơn nhiều so với cái đẹp tự nhiên. Đặc trưng chủ yếu của cái đẹp nghệ thuật, theo ông, là sự thống nhất giữa khái niệm  hiện thực của nó mà ông gọi là tinh thần  ngoại hiện. Ông không dùng thuật ngữ nội dung  hình thức bởi ông quan niệm trong thực tế, hai phạm trù cơ bản đó chuyển hóa qua lại rất tinh tế. Có được sự thống nhất như thế, cái đẹp nghệ thuật sẽ đạt tới tính tất yếu tự do. Tuy nhiên, tính tất yếu phải ẩn dưới hình thức một điều ngẫu nhiên không có chủ ý. Đóng góp vô giá của mỹ học duy lý Hegel là hết mực đề cao giá trị nhận thức của nghệ thuật. Ông viết: “Nghệ thuật thật sự trở thành vị thầy cao nhất của các dân tộc”. Có thể nói, với Hegel, lần đầu tiên mỹ học được xác lập thành một khoa học thật sự.
                Đối với các nhà mỹ học dân chủ cách mạng Nga, lý luận mỹ học đã trở thành vũ khí đấu tranh chính trị hữu hiệu, gắn bó mật thiết với phong trào giải phóng con người. Người đặt nền móng cho mỹ học dân chủ cách mạng Nga là nhà phê bình văn chương lỗi lạc Bielinxki. Ông đứng trên lập trường duy vật để giải quyết những vấn đề của nghệ thuật. Ông định nghĩa nghệ thuật “là sự tái hiện thực tiễn”. Để chống lại mọi khuynh hướng tách rời nghệ thuật ra khỏi đời sống, ông nhấn mạnh sự tương đồng về đối tượng phản ánh của nghệ thuật và khoa học. Sự khác biệt giữa hai lĩnh vực này chỉ là ở phương thưc phản ánh thế giới hiện thực, trong đó bằng tư duy hình tượng, nhà thơ mô tả thế giới qua những bức tranh, còn nhà khoa học thì trình bày thế giới qua những khái niệm bằng tư duy lôgic. Nghệ thuật với ông không chỉ là sự tái hiện sáng tạo hiện thực mà còn biểu hiện mối quan hệ giữa người nghệ sỹ với hiện thực. Do đó, tác phẩm nghệ thuật có thể và cần phải tác động tới sự phát triển của xã hội. “Tước bỏ quyền phục vụ lợi ích xã hội - Ông viết - là không nâng cao mà hạ thấp nghệ thuật”. Trên những cơ sở trên, Bielinxki cổ vũ cho một nền nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa có tính tư tưởng cao và tính nhân dân sâu sắc. Học thuyết về tính nhân dân của nghệ thuật, về mối liên hệ mật thiết giữa nghệ thuật và hiện thực là những cống hiến xuất sắc của nhà phê bình vào di sản mỹ học của nhân loại.
                Tsenưsepxki là đại diện lớn nhất của nền mỹ học duy vật trước chủ nghĩa Marx. Trong luận văn nhan đề Những mối quan hệ thẩm mỹ của con người với thực tại, ông đã đặt vấn đề về bản chất của cái đẹp. Tranh luận mạnh mẽ với Hegel, ông khẳng định dứt khóat: “Cái đẹp là cuộc sống”. Vì nghệ thuật phản ánh thưc tại, nên cái đẹp trong thực tại, theo ông, cao hơn cái đẹp trong nghệ thuật. Về sau, để làm chính xác thêm tư tưởng này, Tsenưsepxki bổ sung: “Cái đẹp là… cuộc sống phù hợp với biểu tượng của chúng ta về cái đẹp”. Ông coi nghệ thuật là đối tượng chủ yếu của mỹ học. Khi bàn về nghệ thuật, ông phát triển tư tưởng của Bielinxki về chủ nghĩa hiện thực và tính nhân dân của nghệ thuật. Ông tuyên bố: “Nghệ thuật là cuốn sách giáo khoa của cuộc sống”. Ông còn yêu cầu nghệ thuật chân chính cần vạch mặt cái ác, sự chuyên quyền bạo lực, đồng thời chỉ cho nhân dân con đường đi tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Không phải ngẫu nhiên khi Marx đã coi ông là nhà bác học và nhà phê bình vĩ đại của nước Nga.
                Rõ ràng, cái đẹp và nghệ thuật đã được nhiều nhà mỹ học trong suốt trường kỳ lịch sử tập trung nghiên cứu. Đó là những cơ sở cho các quan niệm mỹ học là khoa học về cái đẹp (Baumgarten) và mỹ học là triết học về nghệ thuật (Hegel).  Cả hai quan niệm đều chứng tỏ sự cố gắng nhận chân ra nét đặc thù của  đối tượng mỹ học, song không tránh khỏi sơ sài và phiến diện. Đành rằng, cái đẹp có vị trí đặc biệt trong đời sống thẩm mỹ. Nhưng ngoài cái đẹp, mỹ học còn đặt cho mình nhiệm vụ nghiên cứu các phạm trù thẩm mỹ cơ bản khác như cái cao cả, cái bi, cái hài... và nhiều phạm trù thẩm mỹ không cơ bản khác ngoài đời sống và trong nghệ thuật. Đấy là chưa nói tới các phạm trù thể hiện chủ thể thẩm mỹ - một yếu tố không thể thiếu của bất kỳ dạng quan hệ thẩm mỹ nào. Do vậy, có thể khẳng định: quan niệm “Mỹ học là khoa học về cái đẹp” tỏ ra bất cập, còn quan niệm “Mỹ học là triết học về nghệ thuật” thì lại vừa hẹp vừa mơ hồ. Hẹp vì mỹ học không chỉ nghiên cứu nghệ thuật cho dù đây là hình thái biểu hiện tập trung vào cao độ đời sống thẩm mỹ của con người. Mơ hồ vì định nghĩa chưa chỉ ra thật xác định giới hạn nghiên cứu nghệ thuật của mỹ học so với triết học và các ngành nghệ thuật học cụ thể khác.
_______________________________________________
Chương 2
 ĐỐI TƯỢNG MỸ HỌC THEO QUAN NIỆM HIỆN ĐẠI
Muôn vàn hiện tượng, sự vật trong tự nhiên, xã hội và con người vốn là đối tượng tìm hiểu của các ngành khoa học khác nhau, trừu tượng cũng như cụ thể, tự nhiên cũng như xã hội và nhân văn. Tuy nhiên không hề có đối tượng chuyên biệt cho ngành khoa học này hay ngành khoa học khác. Ở đây cần lưu ý tới nhận định quan trọng sau của Viện sĩ Paplov. Trong “Các tác phẩm triết học chọn lọc”, nhà bác học nhận xét rất chí lý rằng: “Cả trong tự nhiên lẫn trong xã hội không hề có đối tượng vật lý, hóa học hay mỹ học thuần túy, nhưng mỗi đối tượng ấy lại có những thuộc tính khiến nó thu hút sự chú ý của nhà vật lý, nhà hóa học hoặc nhà nghệ sĩ. Một người xem xét nó trên phương diện vật lý, người kia trên quan điểm hóa học, còn người thứ ba trên quan điểm thẩm mỹ”. Ý kiến của Paplov có ý nghĩa phương pháp luận sâu sắc. Ta có thể rút ra 3 nhận xét sau qua câu nói của ông:
1. Mỗi hiện tượng và sự vật trong tự nhiên và xã hội đều có nhiều mặt khác nhau (mặt vật lý, mặt hóa học, mặt thẩm mỹ…).
2. Mỗi người (nhà vật lý, nhà hóa học, nhà nghệ sỹ…) khi tiếp cận tới muôn vật muôn loài, tùy quan điểm, mục đích của mình mà quan tâm tới mặt này hay mặt kia của sự vật và hiện tượng
3. Do mỗi chủ thể có từng đối tượng xác định mà nảy sinh ra những quan hệ không giống nhau (quan hệ vật lý, quan hệ hóa học, quan hệ thẩm mỹ…).
Các nhà sáng lập ra Chủ nghĩa Marx - Lenin cũng đưa ra những ý kiến tương tự. K. Marx từng chỉ rõ: một bộ bàn ghế kê ở nhà thì có giá trị sử dụng, đem ra chợ bán thì có giá trị hàng hóa. Bàn về giá trị của cái cốc, V. Lenin cho rằng: có khi nó được dùng không phải để uống mà lại để nhốt bướm hoặc để chặn giấy… Trên đời, rõ ràng không hề có những mối quan hệ trừu tượng, chung chung, chỉ tồn tại những mối quan hệ cụ thể, xác định. Đó là quan hệ vật chất hay quan hệ tinh thần, là quan hệ kinh tế hay quan hệ chính trị, văn hóa, đạo đức, khoa học, thẩm mỹ… Mỹ học nghiên cứu mối quan hệ thẩm mỹ của con người đối với thực tại. Đó chính là đối tượng nghiên cứu đặc thù của mỹ học.
Để hiểu vấn đề, cần phải làm sáng tỏ thế nào là mối quan hệ? và thế nào là mối quan hệ thẩm mỹ? Khi Marx cho rằng loài vật không có quan hệ, thì ông muốn khẳng định sự khác biệt giữa hai thuật ngữ liên hệ  quan hệ. Muốn tồn tại, con vật phải liên hệ với môi trường xung quanh, nhưng hoàn toàn không có chủ đích, không có ý thức. Còn con người thì khác, con người không chỉ hoạt động mà còn hành động, nghĩa là tác động vào tự nhiên, cải biến tự nhiên theo nhu cầu và ý định của mình. Trong bộ Tư bản, khi phân biệt hoạt động của loài ong với hành động của một kiến trúc sư, Marx đã giả định có thể “con ong với những ngăn để sáp của mình còn khéo hơn một nhà kiến trúc nhiều”, nhưng thật ra hoạt động của loài ong với lao động của nhà kiến trúc sư khác nhau rất nhiều, khác nhau về nguyên tắc. Ấy là bởi, trước khi tạo ra một tòa nhà, người kiến trúc sư đã hình dung ra từ trước trong đầu mình cấu trúc, hình dáng của toà nhà phù hợp với mục đích sử dụng và mục đích thẩm mỹ. Nói khác đi, con ngươi ở đây có mối quan hệvới hoàn cảnh, trong khi loài vật mới chỉ dừng ở mối liên hệ với môi trường mà thôi. Chính nhân tố tích cực, chủ động, đã chuyển những mối liên hệ thành những mối quan hệ. Nói như vậy cũng có nghĩa là không phải trong bất cứ sự tiếp xúc nào của con người cũng đều có tính mục đích, tính tự giác, nghĩa là cũng đều xác lập được mối quan hệ. Vậy nên, giữa nhiều sự vật và hiện tượng mà con người tiếp cận có những sự vật và hiện tượng đối với con người chỉ là khách thể chứ không phải là đối tượng. Chỉ có thể coi là tồn tại mối quan hệ khi chủ thể có đối tượng của mình và đối tượng có chủ thể của mình. Chúng gắn bó và ràng buộc với nhau, tồn tại bởi nhau và cho nhau.
Trong mối quan hệ thẩm mỹ cũng vậy, không thể có mối quan hệ thẩm mỹ nếu thiếu một trong hai yếu tố chủ thể thẩm mỹ hay đối tượng thẩm mỹ (đối tượng chứ không phải khách thể như nhiều người quan niệm). Mọi ý định tách rời quan hệ chặt chẽ giữa chủ thể và đối tượng để tìm kiếm tính thẩm mỹ trong sự vật và hiện tượng đều tỏ ra siêu hình. Chẳng hạn, viên kim cương dồi dào phẩm chất thẩm mỹ kia đối với người lái buôn chỉ có giá trị hàng hóa chứ không có giá trị thẩm mỹ. Trong khi đối với một cô gái ưa trang sức thì khác, phẩm chất thẩm mỹ của viên kim cương nổi lên ở vị trí hàng đầu khiến cô gái say mê và hứng thú.
Mối quan hệ thẩm mỹ có nhiều nét không giống với các mối quan hệ khác của con người. Nó không hoàn toàn giống với các mối quan hệ kinh tế cũng như mối quan hệ chính trị, đạo đức, khoa học, tôn giáo, pháp quyền… Sự khác biệt nằm trong tính hình tượng của mối quan hệ thẩm mỹ. Trong các mối quan hệ khác, mặc dù có những đặc trưng riêng cho từng kiểu loại quan hệ nhưng tất cả vẻ cảm tính, cụ thể đều chìm đi sau những khái quát trừu tượng có tính luận lý. Mối quan hệ thẩm mỹ có một số biểu hiện không giống như thế. Bất cứ một đối tượng nào trong mối quan hệ thẩm mỹ cũng đều mang tính hình tượng. Đó chính là những yếu tố cảm tính, cụ thể của các sự vật, hiện tượng đa dạng, độc đáo trước các giác quan của con người: chủ thể thẩm mỹ đã cảm nhận trực tiếp chúng bằng hình tượng của chính chúng.
Tóm lại, mối quan hệ thẩm mỹ của con người với thực tại - đối tượng nghiên cứu riêng biệt của mỹ học, cần được quan niệm như trên. Tuy nhiên, do mối quan hệ thẩm mỹ được phản ánh trong một hình thái ý thức đặc thù là nghệ thuật và do nghệ thuật là hình thái biểu hiện tập trung và cao độ của mối quan hệ thẩm mỹ, nên mỹ học không thể không nghiên cứu nghệ thuật. Điều cần lưu ý chính là cấp độ quan tâm nghiên cứu nghệ thuật của mỹ học so với triết học và các ngành nghệ thuật học. Không xác định được điều này sẽ khó tránh khỏi sự trùng lập về cấu trúc tri thức mà không ít giáo trình mỹ học đã mắc phải.
Để nói một cách ngắn gọn, ta có thể coi toàn bộ đời sống thẩm mỹ và nghệ thuật là đối tượng nghiên cứu của mỹ học.“Toàn bộ thế giới cùng toàn bộ quá trình diễn ra trong thế giới, con người cùng tất cả nền văn hóa của con người, ở một phương diện và trong một mức độ nào đó chúng đều có giá trị đối với con người như một giống loài nghĩa là đều có giá trị thẩm mỹ, chúng đều là môi trường của các nhu cầu mỹ học, là đối tượng nghiên cứu của mỹ học” (Bôrev)1. Ở đây cần hết sức tránh nhầm lẫn hai khái niệm thẩm mỹ và mỹ học. Cũng như sự khác biệt giữa lịch sử và sử học, văn chương và văn học… thẩm mỹ hoàn toàn không phải là mỹ học. Đó là sự khác biệt giữa đối tượng và khoa học nghiên cứu đối tượng. Chúng cần được phân biệt rạch ròi và dứt khoát.
 _________________________________________________
Phần II
MỐI QUAN HỆ THẨM MỸ
Chương I
KHÁI QUÁT VỀ MỐI QUAN HỆ THẨM MỸ
I.1. Thế nào là mối quan hệ thẩm mỹ?
Chúng ta có thể định nghĩa mối quan hệ thẩm mỹ là mối quan hệ cụ thể về mặt thẩm mỹ của một chủ thể thẩm mỹ nào đó trước một đối tượng thẩm mỹ nhất định. Định nghĩa này biểu hiện những dấu hiệu loại biệt của mối quan hệ thẩm mỹ, trong sự đối chiếu với các mối quan hệ vật chất và tinh thần khác nhau trong xã hội.
Trước hết, mối quan hệ thẩm mỹ phải rất cụ thể về không gian và thời gian. Đó phải là mối quan hệ này hay mối quan hệ kia,nghĩa là có xuất xứ rõ ràng, có địa chỉ minh bạch, không thể chung chung mà rất xác định - xác định cả về phía đối tượng lẫn về phía chủ thể trong sự ràng buộc thẩm mỹ giữa chúng. Phép biện chứng chỉ ra rằng sự vật và hiện tượng muôn vẻ ngoài đời sống luôn vận động và biến đổi trong không gian và thời gian. Cũng sự vật và hiện tượng ấy, nhưng lúc này, ở đây không hoàn toàn giống lúc khác, ở nơi khác. “Người ta không thể tắm hai lần ở cùng một dòng sông” (Heraclite). Ấy là bởi dòng sông luôn luôn đổi khác. Đó còn bởi con người cũng luôn luôn đổi khác. Chẳng phải tâm trạng, ý nghĩ, cảm xúc con người luôn vận động, kể cả thay đổi theo sự vận động và thay đổi của đời sống đó ra sao! Những mối quan hệ xã hội khác coi trọng cái tương đối ổn định trong vạn vật và con người. Mối quan hệ thẩm mỹ lại coi trọng cái tuyệt đối vận động và biến chuyển của con người và vạn vật. Điều này lý giải tại sao các giá trị thẩm mỹ bao giờ cũng độc nhất vô nhị. Càng có giá trị thẩm mỹ càng đặc sắc. Nhà thơ Hoài Anh trong một sáng mờ sương Đà Lạt kia đã không kìm được nổi sự rung động tràn ngập lòng mình. Những câu thơ lóng lánh sau chợt đến với anh:
Trước mặt bồng bềnh huyền ảo sương giăng
Người lâng lâng tưởng chân không bén đất
Đừng thở mạnh kẻo làm hơi bay mất
Như giấc mơ hoa chợt biến không ngờ
Thử hỏi ở nơi khác, vào khi khác, anh có thể làm khổ thơ y nguyên như vậy được không? Không thể. Đó là cái kỳ diệu của đời sống thẩm mỹ và nói riêng là của đối tượng nghệ thuật. Điều này bắt nguồn từ những đặc tính cơ bản của mối quan hệ thẩm mỹ.
I.2- Đặc tính cơ bản của mối quan hệ thẩm mỹ
Để hiểu sâu khái niệm mối quan hệ thẩm mỹ, ta cần phân tích một số đặc điểm cơ bản của mối quan hệ đặc thù này.
I.2.1. Tính tinh thần
Giống như nhiều mối quan hệ xã hội khác (như các mối quan hệ chính trị, đạo đức, khoa học, tôn giáo…), mối quan hệ thẩm mỹ thuộc về đời sống tinh thần của con người. Một trong những dấu hiệu nổi bật của tính tinh thần này là ở chỗ thụ cảm cái thẩm mỹ ngoài đời sống và trong nghệ thuật trước tiên và chủ yếu dựa vào thị giác và thính giác. Nói thế không có nghĩa là các giác quan khác hoàn toàn không có ý nghĩa gì trong việc tạo lập mối quan hệ thẩm mỹ. Có điều, càng gián cách và gián tiếp thì cảm xúc thẩm mỹ càng có điều kiện bộc lộ rõ hơn và cao hơn. Để rung động trước cái đẹp của bông hoa, người ta ngắm hoa hơn là ngửi hoa. Trong nghệ thuật cũng vậy, thưởng thức một bức họa, một pho tượng, bao giờ cũng cần một khoảng cách nhất định. Sự hài hòa của màu sắc, đường nét, cảnh vật và con người vốn là một tiêu chuẩn của cái đẹp trong mỹ thuật chỉ có thể cảm nhận được một cách đầy đủ, thấm thía khi lùi xa tác phẩm nghệ thuật. Vai trò của nhìn  nghe trong thưởng thức nghệ thuật quan trọng đến mức có nhà mỹ học đã dựa vào đó để phân chia nghệ thuật thành 3 loại hình: Nghệ thuật thị giác (như hội họa, điêu khắc, kiến trúc…);Nghệ thuật thính giác (như âm nhạc); Nghệ thuật thính - thị giác (như sân khấu, điện ảnh…).
Một vấn đề nảy sinh không thể không giải quyết là nếu thừa nhận tính tinh thần của mối quan hệ thẩm mỹ, vậy thì nó có liên quan như thế nào với quan hệ vật chất? Trong lịch sử mỹ học, mối tương quan này được bộc lộ bằng mối quan hệ giữa cái có ích cái đẹp. Có 3 khuynh hướng chính giải quyết như sau:
Một là: đồng nhất giữa cái đẹp và cái có ích. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là quan niệm của Socrate. Nhà mỹ học cổ Hy Lạp thẳng thừng tuyên bố:“Cái sọt đựng phân cũng đẹp”. Ấy là bởi, theo ông, cái sọt “đựng được phân” nghĩa là nó hữu ích. Ông không phân biệt hai phạm trù này, hay đúng hơn là ông không chấp nhận các sự vật, hiện tượng có giá trị thẩm mỹ mà lại không có giá trị vật chất thiết thực. Quan niệm cực đoan của Socrate thật khó thuyết phục. Nếu cái gì có ích cũng đều đẹp cả thì cái đẹp đâu còn lý do thực tế để tồn tại nữa.
Hai là: tách biệt giá trị thẩm mỹ với giá trị vật chất. Đại diện cho quan điểm này là nhà mỹ học người Đức I. Kant. Trong tác phẩm Phê phán khả năng phán đoán, ông khẳng định: “Một phán đoán thẩm mỹ nếu pha trộn một chút ít tính toán lợi hại sẽ rất thiên tư. Đó không phải là phán đoán thẩm mỹ đơn thuần, cần phải giữ sự thờ ơ với đối tượng mới làm chủ được hứng thú thẩm mỹ”. Cần phải nói rằng, những phát hiện về tính không vụ lợi của phán đoán thẩm mỹ là một cống hiến vô giá của I. Kant vào di sản mỹ học của nhân loại. Tiếc là ông đã đi quá xa. Việc đào hố sâu ngăn cách không thể vượt qua giữa cái đẹp và cái có ích, nói gì thì nói, cũng là không thực tế và không biện chứng. Tính không vụ lợi của khoái cảm thẩm mỹ không cản trở các giá trị thẩm mỹ có tính mục đích thực tế. Đây chính là chỗ sơ hở của học thuyết mỹ học Kant làm cơ sở cho không ít trào lưu nghệ thuật xa rời cuộc sống lao động, đấu tranh sau này.
Ba là: đặt cái có ích lên trên cái đẹp. Đó là quan niệm khá phổ biến trong xã hội khi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa ẩm thực có nguy cơ lan tràn trong lối sống của không ít người, nhất là tầng lớp giàu có. Đành rằng muốn tồn tại, con người cần phải được thỏa mãn những nhu cầu vật chất tối thiểu. Nhưng nếu coi đời sống vật chất là mục đích, nếu xem thường đời sống tinh thần trong đó có đời sống thẩm mỹ, thì con người nào có hơn gì con vật. Không phải vô cớ khi K. Marx lại coi cảm xúc thẩm mỹ là tiêu chí khu biệt của con người so với con vật. Rất lạ lùng trước câu trả lời của một nhà đại tư bản Mỹ khi M. Gorki hỏi: “Ngài yêu nhà thơ nào nhất?”. Ông ta lạnh lùng nói: “Tôi yêu hai cuốn sách: quyển Kinh thánh và quyển sổ cái. Cả hai đều gây cảm hứng cho tôi như nhau. Một quyển do nhà tiên tri viết ra, một quyển do chính tay tôi viết ra. Quyển của tôi ít lời, có nhiều con số…” (Ở Mỹ).
Đã đành cái đẹp và cái có ích, giá trị thẩm mỹ và giá trị vật chất không phải là một, nhưng tuyệt hóa ranh giới giữa chúng, coi chúng là hai phạm trù không có dính dáng gì với nhau cũng không đúng, không thuyết phục. Trong tác phẩm Uốn thẳng, nhà văn hiện thực Nga Glev Uxpenxki đã thể hiện rõ sức mạnh kỳ diệu của cái đẹp vốn rất vô tư đối với thầy giáo Tiapuskin ra sao. Sức mạnh của cái đẹp, của cảm xúc thẩm mỹ thật mãnh liệt, không ít dẫn dụ trong nghệ thuật và trong đời sống đã thể hiện điều đó.
I.2.2. Tính xã hội
Bên cạnh tính tinh thần, mối quan hệ xã hội còn mang tính xã hội. Điều này có vẻ mâu thuẫn. Bởi một mặt ta luôn khẳng định tính độc đáo, không lặp lại của đời sống thẩm mỹ; mặt khác, ta lại nhấn mạnh sự gắn bó của đời sống thẩm mỹ với hoạt động thực tiễn muôn màu muôn vẻ của con người xã hội. Thực ra, đó chỉ là vẻ mâu thuẫn bên ngoài. Tính xã hội của mối quan hệ thẩm mỹ chỉ càng chứng tỏ sự phong phú và phức tạp của đời sống thẩm mỹ mà thôi.
Vậy biểu hiện tính xã hội của mối thẩm mỹ ra sao? Ta có thể dễ dàng nhận thấy tính xã hội của mối quan hệ thẩm mỹ ở cả phía đối tượng lẫn phía chủ thể thẩm mỹ. Về đối tượng thẩm mỹ, phẩm chất và đặc tính của các hiện tượng thẩm mỹ được nâng cao và mở rộng nhờ gắn bó với các hoạt động xã hội, nhất là hoạt động thực tiễn của con người. Ví như, vẻ đẹp của ánh trăng. Đành rằng, với sự dịu dàng và trong sáng, ánh trăng dễ cuốn hút con người từ bao đời nay. Song ánh trăng muôn vàn lần đẹp hơn khi chứng kiến lời thề nguyền:
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song
                                                                                                                              (Truyện Kiều)
Và trong trường hợp sau, vầng trăng như người bạn gần gũi người chiến sĩ khi đứng canh bầu trời giữa đêm khuya khoắt:
                                                                                              Đầu súng trăng treo
                                                                                                                            (Thơ Chính Hữu)
Tính xã hội của mối quan hệ thẩm mỹ đặc biệt được bộc lộ ở phía chủ thể. Trước hết, chiều sâu và bề rộng của sự phát hiện thẩm mỹ tùy thuộc vào sự từng trải, vào vốn sống của con người với tư cách là chủ thể thẩm mỹ. Óc thẩm mỹ có điều kiện trở nên nhạy bén, cảm xúc thẩm mỹ có điều kiện trở nên tinh tế khi con người mở rộng trường hoạt động và phạm vi tiếp xúc của mình. Sau nữa, rõ ràng phương hướng đánh giá về mặt thẩm mỹ của con người cũng mang ý nghĩa xã hội rộng rãi. Không hiếm hiện tượng thẩm mỹ mà người này cho là xấu còn người kia cho là đẹp, ở người này thì gợi lên những cảm xúc thẩm mỹ tích cực còn ở người khác thì lại gợi nên những cảm xúc thẩm mỹ tiêu cực. Ở đây, chạm phải một vấn đề gây nhiều tranh luận, nhất là khi công cuộc đổi mới tư duy ngày càng sâu rộng và triệt để như hiện nay. Vấn đề đó là: mối quan hệ thẩm mỹ có mang đặc tính giai cấp hay không?Và nếu thừa nhận tính giai cấp của mối quan hệ thẩm mỹ thì  liệu có cái đẹp chung được các giai cấp khác nhau cùng thừa nhận hay không? Ta nên giải quyết vấn đề này như thế nào? Chủ thể thẩm mỹ bao giờ cũng là con người của một giai cấp nhất định nên sự cảm thụ, nhìn nhận, đánh giá về phương diện thẩm mỹ có thể khác nhau thậm chí đối nghịch nhau. Không nên phủ nhận tính giai cấp vốn là đặc tính hiển nhiên của xã hội loài người. Nhưng cũng đừng tuyệt đối hóa tính giai cấp mà xem nhẹ hoặc phủ nhận một đặc tính khác vốn là cặp âm – dương song hành với tính giai cấp: tính nhân loại. Không hiểu được điều này, chúng ta sẽ không lý giải nổi vì sao con người thuộc các dân tộc, các tôn giáo với những điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa khác nhau đều có xu hướng xóa dần cách biệt, xích lại gần nhau hơn vì những mục tiêu cao quý: hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Điều này càng trở thành sự thật phổ biến trong thời đại chúng ta khi xu thế đối thoại đang dần dần thay thế xu hướng đối đầu, khi giao lưu hội nhập đang là lẽ sống còn và thịnh vượng của từng đất nước, từng khu vực và cả hành tinh chúng ta. Nói như vậy nghĩa là không phải tất cả các hiện tượng thẩm mỹ đều có tính giai cấp. Cái đẹp là khách quan, nên có sự gần gũi nhất định trong việc thẩm định cái đẹp ở những giai cấp khác nhau. Việc phân chia cái đẹp chỉ dựa vào tiêu chí giai cấp là máy móc và thiếu biện chứng.
I.2.3. Tính cảm tính
Đây là đặc tính nổi bật thể hiện rõ đặc trưng của mối quan hệ thẩm mỹ, khu biệt nó với những mối quan hệ chính trị, quan hệ đạo đức, quan hệ tôn giáo… Đặc tính này đồng thời được bộc lộ ở cả hai phía đối tượng thẩm mỹ và chủ đề thẩm mỹ.
Đối tượng thẩm mỹ phải là những hiện tượng toàn vẹn – cụ thể – cảm tính. Không thể xác lập được mối quan hệ thẩm mỹ một cách chung chung, trừu tượng. Đó phải là hiện tượng này, sự việc kia tiềm ẩn những thuộc tính thẩm mỹ được phát lộ ra và được các giác quan của chủ thể thẩm mỹ nhất định tiếp nhận. Đặc biệt, đối tượng thẩm mỹ phải là những hiện tượng, những quá trình toàn vẹn. Nói một cách khác, giá trị thẩm mỹ được toát lên từ toàn bộ các thuộc tính và các phẩm chất chứ không phải từ một thuộc tính hoặc từ một phẩm chất riêng biệt nào cho dù chúng đặc sắc và tiêu biểu đến đâu. Một gương mặt đẹp không thể có một bộ phận nào đó xấu, một bài thơ hay không thể có một kết cấu lỏng lẻo… Cố nhiên, điều đó không có nghĩa là không có bộ phận hoặc thuộc tính nào đó mang giá trị thẩm mỹ cao hơn những bộ phận hay thuộc tính khác, nhất là các bộ phận và thuộc tính ấy cần phải hài hòa trong một tổng thể duy nhất. Hãy nhớ lại vẻ đẹp bông sen trong câu ca dao cổ. Bông sen mang vẻ đẹp từ bên ngoài đến bên trong, riêng vẻ đẹp bề ngoài có sự ăn nhập một cách tự nhiên giữa lá xanh, bông trắng và nhị vàng. Đấy là xét về đối tượng thẩm mỹ khách quan.
Về phía chủ thể, giá trị thẩm mỹ được tiếp nhận một cách bao quát rộng rãi, không  tập trung chỉ vào một thuộc tính hay phẩm chất nào đó của sự vật, hiện tượng hay quá trình ẩn chứa phẩm chất thẩm mỹ. Đó là điểm khác biệt rõ rệt giữa đánh giá thẩm mỹ với đánh giá chính trị, đánh giá đạo đức, đánh giá tôn giáo… Điều này cũng nói lên sự gắn bó giữa cái chân, cái thiện, cái mỹ nếu đó là những hiện tượng và quá trình thuộc về con người và đời sống của con người. Một hành vi không thể coi là đẹp nếu vi phạm những chuẩn mực đạo lý hoặc đi ngược lại quan điểm chính trị mà chủ đề thẩm mỹ tuân thủ tin theo. Điều này còn nói lên tính chất bao quát của việc xem xét và phẩm bình các giá trị nghệ thuật. Một tác phẩm đạt đến một chuẩn mực nghệ thuật nào đó vừa phải đúng, phải tốt và phải hay. Không thể chấp nhận một nội dung nghèo nàn, trống rỗng hoặc phản nhân văn trong một hình thức có vẻ bóng bẩy, trau truốt và điệu nghệ. Đặc biệt, giá trị thẩm mỹ phải được chủ thể tiếp nhận một cách trực tiếp – cảm tính. Ở đây có sự khác biệt rất rõ giữa giảng trăng và thưởng trăng, giảng nhạc và nghe nhạc. Mối quan hệ thẩm mỹ chỉ được xác lập khi chủ thể trực tiếp cảm nhận những thuộc tính khách quan, và vì vậy mà năm giác quan có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống thẩm mỹ. Sự khiếm khuyết và sự hạn chế của một giác quan nào đó, nhất là thị giác và thị giác, sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến việc tiếp nhận những thuộc tính thẩm mỹ khách quan.
Tính cảm tính của mối quan hệ thẩm mỹ góp phần tạo nên ưu thế không gì thay thế được của nghệ thuật đối với đời sống con người trên cả hai phương diện nâng cao tư tưởng, tình cảm lẫn mở rộng kinh nghiệm, hiểu biết. Nếu coi nghệ thuật là một trong những công cụ giáo dục thì đồng thời phải khẳng định đây là một trong những hình thức giáo dục tự nhiên nhất, và vì vậy mà sâu xa và bền vững nhất. Còn nếu coi nghệ thuật là một trong những phương tiện nhận thức thì cũng phải thấy đây là một hình thái nhận thức hấp dẫn nhất và vì vậy mà thấm thía và bền lâu nhất.
I.2.4. Tính tình cảm
Gắn liền với đặc tính cảm tính là đặc tính cảm của mối quan hệ thẩm mỹ. Con người thật khó dửng dưng khi trực tiếp cảm nhận khách thể dồi dào phẩm chất thẩm mỹ. Khi ấy con người trở thành chủ thể thẩm mỹ, còn khách thể thì trở thành đối tượng thẩm mỹ. Nhật ký trong tù có bài Ngắm trăng rất hay. Khi kết thúc bài thơ, Hồ Chí Minh viết:
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
Dịch nghĩa là:
Người hướng ra trước song sắt nhà tù ngắm trăng sáng
Trăng nương theo khe hở của song sắt nhà tù ngắm nhà thơ
Cần lưu tâm đến hai từ minh nguyệt  thi gia. Dưới con mắt của con người luôn gắn bó với thiên nhiên thì trăng trở thành trăngsáng. Còn dưới cái nhìn của trăng vốn cảm thông quý trọng người tù thì người trở thành nhà thơ. Từ đó ta hiểu cái lý sâu xa của hai câu đầu:
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
“Khó hững hờ” vốn là một trong những đặc trưng nổi bật của mối quan hệ thẩm mỹ. Trong các mối quan hệ xã hội khác nhau (quan hệ chính trị, quan hệ đạo đức, quan hệ tôn giáo, quan hệ pháp quyền…) việc bộc lộ cảm xúc không mang tính bắt buộc. Chúng dường như tạo ra những thói quen khiến con người tuân thủ tự giác mà không nhất thiết phải bộc lộ tình cảm. Mối quan hệ thẩm mỹ thì không thế. Cùng với việc xuất hiện những giá trị thẩm mỹ là sự rung động đôi khi rất mãnh liệt của con tim. Ý nghĩa to lớn của đời sống thẩm mỹ mà nói riêng là đời sống nghệ thuật tùy thuộc rất nhiều ở đặc tính này. Trong khi muốn hành động để cải tạo tự nhiên và xã hội, nhận thức con người cần chuyển thành niềm tin. Và vấn đề nhân sinh quan không thể giải quyết được một cách triệt để nếu chỉ chú trọng tới lý trí mà bỏ rơi  tình cảm.
_________________________________________________
Chương II
CHỦ THỂ THẨM MỸ
Mối quan hệ thẩm mỹ sẽ không thể được thiết lập nếu chỉ có đối tượng thẩm mỹ cho dù nó giàu có phẩm chất thẩm mỹ đến mức nào. Do vậy, chúng ta sẽ không thể hiểu được mối quan hệ thẩm mỹ, thậm chí không thể hiểu đầy đủ và thấu đáo đối tượng thẩm mỹ, nếu ta không tìm hiểu chủ thể thẩm mỹ. Vậy chủ thể thẩm mỹ là gì?
I.1. Khái niệm chủ thể thẩm mỹ
I.1.1. Thế nào là chủ thể thẩm mỹ?
Nói đến chủ thể thẩm mỹ, người ta nghĩ ngay đến người nghệ sĩ. Điều này có lý riêng của nó. Người nghệ sĩ rõ ràng thể hiện trong phẩm chất và hoạt động của mình những yêu cầu thẩm mỹ cao hơn hết thảy. Tuy nhiên, nếu khuôn chủ thể thẩm mỹ vào người nghệ sĩ thì lại là một khiếm khuyết lớn. Bởi hoạt động thẩm mỹ không phải là độc quyền của nghệ sĩ. Không riêng gì nghệ sĩ mà bất cứ ai cũng tiềm ẩn những năng lực thẩm mỹ và không ít lần trong đời phát lộ ra, khi thì bằng nghệ thuật nhưng nhiều hơn là bằng hoạt động thẩm mỹ ngoài nghệ thuật.
Nói tới năng lực chủ thể thẩm mỹ, nhiều người dành trước hết cho năng lực sáng tạo những giá trị thẩm mỹ. Điều này đúng nhưng cũng chưa đủ. Đúng là vì không ở đâu như trong quá trình sáng tạo thẩm mỹ, nhất là sáng tạo nghệ thuật, năng lực thẩm mỹ lại được biểu hiện tập trung và sáng rõ như vậy. Chưa đủ là vì ngoài khả năng sáng tạo, năng lực thẩm mỹ còn được bộc lộ ở những khả năng khác. Đó là những khả năng cảm thụ, đánh giá thẩm mỹ. Coi nhẹ những khả năng khác của chủ thể thẩm mỹ sẽ không thể khơi nguồn, nhất là không thể định hướng được khả năng sáng tạo ra những giá trị thẩm mỹ đa dạng của con người.
Vậy chủ thể thẩm mỹ là chủ thể xã hội có khả năng hưởng thụ, sáng tạo và đánh giá thẩm mỹ. Cần phải nhấn mạnh tới tính xã hội của chủ thể thẩm mỹ. Vì rằng đã có những nhà khoa học nói tới bản năng “làm đẹp” không chỉ có ở loài người mà cả ở loài vật. Họ dựa trên những giả định của nhà bác học Đácuyn khi quan sát mùa sinh sản của loài chim. Quả thật, để làm tăng vẻ quyến rũ đối với loài chim mái, bộ cách của chim trống tự nhiên lộng lẫy hơn, tiếng hót của chúng tự nhiên thánh thót hơn. Đặc biệt, chim trống ưa làm tổ mình bằng chất liệu màu sắc sặc sỡ để chim mái dễ nhận ra vẻ hấp dẫn của “người tình” mình từ xa. Đácuyn từ đó đi đến giả thuyết cho rằng có thể loài chim cũng có mỹ cảm. Ngẫm kỹ thì tuyệt nhiên không phải vậy. Đó chỉ là những phản xạ mang tính bản năng, vô ý thức của loài vật. Cảm xúc thẩm mỹ mang đặc tính tinh thần từ trong bản chất. Và phạm trù này chỉ thuộc về con người xã hội mà thôi.
Một vấn đề được nảy sinh là nếu năng lực thẩm mỹ mang tính xã hội thì nó do đâu mà có? Vai trò của yếu tố bẩm sinh và yếu tố học tập, rèn luyện trong việc hình thành và phát triển các năng lực cảm thụ, sáng tạo và đánh giá thẩm mỹ ra sao?
Trước hết, ta không thể tán đồng với khuynh hướng thần bí hóa năng lực thẩm mỹ. Tài năng nghệ thuật là hiếm và quý. Biểu hiện của tài năng nghệ thuật là đa dạng và phong phú. Mọi sự lý giải đơn giản tài năng nghệ thuật sẽ không bao giờ có sức thuyết phục. Tuy nhiên, tuyệt đối hóa nét đặc thù của tài năng nghệ thuật cũng chẳng có sức thuyết phục gì hơn. Nói cách khác, tài năng nghệ thuật là sự diệu kỳ song không phải là không thể giải thích được. Ở đây, vai trò của yếu tố thiên bẩm  không thể thiếu. Sẽ không có một Đặng Thái Sơn, một Trà Giang, một Trần Đăng Khoa… nếu ngay từ nhỏ họ không mang trong mình bản tính nghệ sĩ. Môi trường và điều kiện góp phần quyết định chuyển hóa khả năng thành hiện thực, vậy thôi. Người ta kể rằng trí tưởng tượng sáng tạo phát triển rất sớm ở Trần Đăng Khoa. Một lần anh trai Khoa – cũng là người làm thơ, nhìn thấy bụi tre ngả nghiêng trong gió to đã hỏi Khoa: “Bụi tre giống gì?”. Trần Đăng Khoa khi ấy mới 5, 6 tuổi đã trả lời: “Trông giống ông say rượu”. Thật đường đột và thú vị. Coi nhẹ vai trò của yếu tố bẩm sinh sao được. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, học tập và rèn luyện nhằm vun đắp tài năng sẵn có mới mang tính quyết định. Nói như K. Marx: “Thực tiễn sẽ phát triển những năng khiếu tiềm năng trong bản thân”. Thực tế nghệ thuật của dân tộc và nhân loại đã chứng minh hùng hồn điều đó. Một lần, nữ nghệ sĩ nổi tiếng của Liên Xô (cũ) là Mắcxacôva đã khóc khi nghe giọng hát của ca sĩ Murađôv. Ông không được học hành gì cả và khi ấy ông đã gần 60 tuổi. Mọi người tưởng giọng hát của ca sĩ làm bà xúc động. Không phải vậy, bà khóc vì lẽ khác: “Tôi khóc vì thương xót. Thật là một giọng ca tuyệt đẹp, ông đã có thể làm kinh ngạc cả thế giới, nếu trước đây được học hành đến nơi đến chốn. Còn bây giờ thì không thể được nữa rồi” (theo Raxun Gamzatov). Bởi vậy có thể dễ dàng tán đồng với định nghĩa sau đây của Tố Hữu về thiên tài: “Thiên tài là gì, nếu không phải là hương của hoa, là núi của của đất, là sự kết kinh ở một mức nào đó trí tuệ và tài năng của nhân dân lao động”.
II.1.2. Các hình thức tồn tại của chủ thể thẩm mỹ
Nếu chấp nhận những kiểu khác nhau của chủ thể thẩm mỹ trong đời sống và trong nghệ thuật thì ta có thể xếp chủ thể thẩm mỹ vốn muôn hình vạn trạng và thiên biến vạn hóa vào các nhóm chính sau đây:
a- Nhóm thủ thể thưởng thức thẩm mỹ.
b- Nhóm thủ thể sáng tạo thẩm mỹ.
c- Nhóm thủ thể định hướng thẩm mỹ.
d- Nhóm thủ thể biểu hiện thẩm mỹ.
đ- Nhóm thủ thể tổng hợp các năng lực thẩm mỹ.
Không khó xác định hai nhóm đầu, riêng ba nhóm sau cần được giảng giải rõ thêm. Nói đến định hướng thẩm mỹ là ta nghĩ ngay đến hoạt động của các nhà phê bình trong đó có phê bình nghệ thuật. Phê bình là xem xét, đánh giá các hiện tượng thẩm mỹ. Nhưng mục đích cuối cùng, mục đích tối thượng của phê bình lại là ở việc định hướng các hoạt động thẩm mỹ. Hoạt động phê bình khá đa dạng và ở nhiều mức độ. Trong đó, không nên xem thường hình thức giới thiệu các sản phẩm thẩm mỹ, các tác phẩm nghệ thuật một cách rộng rãi và thường xuyên.
Cũng cần chú trọng tới chủ thể thẩm mỹ biểu hiện. Ở đây ta nghĩ tới tính chất hoạt động của các diễn viên và các nhạc công. Không phải họ không đem phần sáng tạo riêng của họ vào việc thể hiện vai diễn và trình bày tác phẩm âm nhạc. Song dầu sao tính sáng tạo cũng bị giới hạn bởi kịch bản và bản nhạc có sẵn từ trước. Do chủ thể thẩm mỹ thường gắn với những phương tiện thẩm mỹ khác nhau, nên các nhà mỹ học thường dựa vào đây để chia thành những nhóm chủ thể thẩm mỹ biệu hiện riêng biệt.
- Chủ thể biểu hiện đồng thời là phương tiện biểu hiện thẩm mỹ. Chẳng hạn các diễn viên điện ảnh, sân khấu và vũ đạo.
- Chủ thể biểu hiện gắn với phương tiện biểu hiện là các nhạc cụ. Đó là các nhạc công.
- Chủ thể biểu hiện gắn với các phương tiện biểu hiện là ngôn từ và âm nhạc như các nghệ sĩ ngâm thơ.
Cuối cùng là nhóm thủ thể tổng hợp các năng lực thẩm mỹ. Trong trường hợp này, người ta hay nói đến khả năng và tính chất hoạt động của các nhà đạo diễn. Quả thật, để dàn dựng sân khấu, điện ảnh, vũ đạo… người đạo diễn phải mang trong mình nhiều năng lực thẩm mỹ. Họ cần có khả năng cảm thụ nhạy bén, định hướng rõ rệt, sáng tạo tinh tế lại vừa có khả năng biểu hiện thuần thục khi cần. Tính tổng hợp những năng lực thẩm mỹ vốn là đòi hỏi từ bên trong của công việc ở nhà đạo diễn. Không có hoặc yếu một khả năng nào, người đạo diễn không thể hoàn thành tốt ý đồ chỉ đạo nghệ thuật được đặt ra.
Cần nói thêm rằng, việc phân chia thành các nhóm chủ thể thẩm mỹ cơ bản như trên chỉ có ý nghĩa tương đối. Ví như, không thể nói nhà phê bình nghệ thuật lại chỉ có năng lực thẩm định. Muốn phân tích, đánh giá tốt các tác phẩm nghệ thuật muôn hình muôn vẻ, nhà phê bình nghệ thuật đồng thời cũng phải là một công chúng cảm thụ nghệ thuật tinh tường và sâu sắc, một nghệ sĩ với những tư chất phong phú và cao đẹp ở một mức độ đáng kể nào đó. Thêm vào đó, khi ta xếp một người vào một nhóm chủ thể thẩm mỹ nào thì chỉ có nghĩa là ta đang xem xét trong một mối quan hệ thẩm mỹ cụ thể, xác định mà thôi. Ở hoàn cảnh khác và trong mối quan hệ thẩm mỹ khác thì người ấy sẽ được đưa vào một nhóm chủ thể thẩm mỹ thậm chí không liên hệ gì lắm tới nhóm được phân chia trước đấy.
II.2. Các phạm trù biểu hiện chủ thể thẩm mỹ
II.2.1. Ý thức thẩm mỹ
Con người khác loài vật chính là ở năng lực ý thức. L. Pascal nói: “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”. Ý thức con người là sự tổng hợp hữu cơ giữa nhiều hình thái khác nhau, trong đó có hình thái đặc thù là ý thức thẩm mỹ. Vậy, ý thức thẩm mỹ là một bộ phận của ý thức xã hội được biểu hiện dưới hình thức trực tiếp, cảm tính.
Đã tồn tại hai quan niệm đối lập nhau về bản chất của ý thức thẩm mỹ trong lịch sử mỹ học.
- Quan niệm có tính bản thể luận xem ý thức thẩm mỹ chính là sự phản ánh bản thân thể hiện bằng những nguyên tắc đặc thù.
- Quan niệm có tính nhận thức luận xem ý thức thẩm mỹ như là một phẩm chất thuần túy thuộc đời sống tinh thần của con người chủ yếu được biểu hiện trong nghệ thuật.
Phải thấy là cả hai quan niệm đều rơi vào cực đoan. Một mặt, bất cứ một thuộc tính thẩm mỹ khách quan nào trong các giá trị thẩm mỹ cũng đều mang “tính người” nghĩa là có tính nhận thức luận, không thế chúng mãi mãi chỉ là khách thể thẩm mỹ mà không thể là đối tượng thẩm mỹ. Mặt khác, bất kỳ một đánh giá thẩm mỹ nào cũng đều xuất phát từ những thuộc tính thẩm mỹ khách quan tồn tại không tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Trong trường hợp này, năng lực và cảm xúc thẩm mỹ chỉ làm tăng hay giảm phẩm chất của các hiện tượng thẩm mỹ chứ không sản sinh ra chúng. Giá trị thẩm mỹ vì vậy được nảy sinh đồng thời từ hai phía, cả chủ thể lẫn đối tượng.
Ý thức thẩm mỹ tồn tại dưới hai dạng: ý thức thông thường và ý thức lý luận. Không nên đối lập hai hình thái này. Ý thức thông thường chính là dạng biểu hiện phổ biến của ý thức thẩm mỹ. Còn ý thức lý luận lại là dạng biểu hiện cao mang tính khái quát, tính hệ thống của ý thức thẩm mỹ. Ý thức thẩm mỹ có thể xuất hiện trong mọi hành vi thẩm mỹ tích cực của con người. Đó là khi con người khai thác, đồng hóa hiện thực về phương diện thẩm mỹ trong hoạt động thực tiễn hàng ngày. Tuy nhiên, ý thức thẩm mỹ đặc biệt tập trung trong hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Với tư cách là một hoạt động thẩm mỹ chuyên biệt, nghệ thuật đã làm cho ý thức thẩm mỹ ở người nghệ sỹ được thể hiện một cách trọn vẹn nhất, dưới hình thức biểu hiện cao nhất.
Có ý thức thẩm mỹ của thời đại, đồng thời có ý thức thẩm mỹ của cá nhân. Ý thức thẩm mỹ của thời đại được biểu hiện qua tính đa dang của ý thức thẩm mỹ cá nhân, chi phối ở một mức độ nhất định đối với ý thức thẩm mỹ cá nhân. Tuy nhiên, không hiếm những cá nhân kiệt xuất như những nghệ sĩ thật sự vĩ đại mà tư tưởng đã vượt trước thời đại, có ý nghĩa soi sáng, dẫn đường.
Cũng như những hình thái ý thức xã hội khác, ý thức thẩm mỹ vừa phản ánh vừa tác động tới tồn tại xã hội, thúc đẩy tồn tại xã hội phát triển. Ý thức thẩm mỹ không chỉ là một hình thái nhận thức thế giới mà còn là hình thái tự nhận thức của con người. Với ý nghĩa đó, ý thức thẩm mỹ làm phong phú thêm cuộc sống vốn đã vô cùng phong phú của con người trên trái đất này.
Trong mỹ học, ý thức thẩm mỹ là một phạm trù thể hiện chủ thể thẩm mỹ một cách bao quát nhất. Nó được cấu thành bởi những phạm trù thẩm mỹ khác vốn là những thành tố quan trọng phụ thuộc và làm nên nó như cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, quan điểm thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ…
II.2.2. Cảm xúc thẩm mỹ
Đó là trạng thái rung động trực tiếp của con người trước các hiện tượng thẩm mỹ khách quan trong thiên nhiên, trong đời sống và trong nghệ thuật. Sắc thái cảm xúc thẩm mỹ đa dạng như chính hiện tượng thẩm mỹ khách quan muôn hình vạn trạng. Đó có thể là cảm giác sảng khoái trước cái đẹp, sửng sốt trước cái cao cả, đau xót trước cái bi, khinh bỉ trước cái hài, ghê tởm trước cái thấp hèn và buồn rầu trước cái xấu… Đây chính là phạm trù biểu hiện chủ thể thẩm mỹ đầu tiên trước đối tượng thẩm mỹ. Nó đồng thời là dấu hiệu rõ nhất xác nhận sự tồn tại trên thực tế mối quan hệ thẩm mỹ của con người đối với thực tại.
Cần phải thấy sự khác biệt của cảm xúc thẩm mỹ với cảm xúc sinh lý. Khi đói được ăn, khi nóng được tắm, khi rét được mặc ấm… con người đều có những cảm giác khoan khoái nhiều khi không thể nói là không da diết. Nhưng đó là cảm giác sinh lý, không hoàn toàn giống với cảm xúc của con người khi đứng trước cái đẹp chẳng hạn. Tính xã hội và tính tinh thần của cảm xúc thẩm mỹ cao hơn nhiều. Đó là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố: tình cảm, nhận thức, truyền thống văn hóa… trong một con người. Không phải ngẫu nhiên khi cảm xúc thẩm mỹ được coi như một trong những biểu hiện rõ nhất của “tính người”. K. Marx đã gọi tình cảm đối với cái đẹp là tiêu chí khu biệt quan trọng đối với con người. Còn V. Biêlinxki thì cho rằng nếu không có tình cảm thẩm mỹ thì ngay một con người có học thức cũng không đứng cao hơn động vật mấy tí. Rõ ràng cảm xúc thẩm mỹ và cảm xúc sinh lý là hai khái niệm khác nhau. Tuy nhiên, cũng không nên đối lập mà cần thấy tác động qua lại nhất định giữa chúng với nhau.
Do gắn với lý trí, lý tưởng nên cảm xúc thẩm mỹ bao giờ cũng thể hiện xu hướng đánh giá. Đó là cơ sở tạo ra hại loại cảm xúc thẩm mỹ với tính chất đối nghịch nhau: cảm xúc thẩm mỹ tích cực  cảm xúc thẩm mỹ tiêu cực. Điều này đặc biệt rõ rệt trước những hiện tượng thẩm mỹ thuộc về con người, những hoạt động và đời sống vô cùng tận của con người. Và ở đây, chúng ta vừa thấy sự khác biệt lại vừa thấy được mối liên hệ giữa tình cảm thẩm mỹ với tình cảm chính trị, đạo đức và tôn giáo…
Hiển nhiên là cảm xúc thẩm mỹ có vai trò to lớn trong mọi hoạt động thẩm mỹ nhất là trong hoạt động nghệ thuật. Cảm xúc thẩm mỹ chính là động lực mạnh mẽ thôi thúc người nghệ sĩ trong hoạt động sáng tạo. Thiếu sức mạnh tự bên trong này sẽ không giải thích nổi vì sao người nghệ sĩ thuộc các thời đại và các dân tộc khác nhau lại thường coi sáng tạo như “sự giải thoát nội tâm”. Người nghệ sĩ sáng tạo khi không thể đừng, không thể không sáng tạo. Và cảm xúc chính là nhân tố thấm vào mọi khâu, mọi giai đoạn của quá trình sáng tạo nghệ thuật. Không thể hiểu được cảm hứng nếu tách rời khỏi cảm xúc mặc dù cảm hứng không đơn thuần là tâm thế chứa chan cảm xúc.
Vì vai trò đặc biệt của cảm xúc trong mọi hoạt động thẩm mỹ nên chủ thể thẩm mỹ cần phải tích lũy và trau dồi thường xuyên để cảm xúc thẩm mỹ ngày một dồi dào, tinh tế và sâu sắc. Điều kiện thiết yếu là phải xúc tiếp thường xuyên với các giá trị thẩm mỹ. Cái gọi là “đi tìm cảm xúc” luôn tỏ ra không mấy thích hợp là vì vậy.
II.2.3. Thị hiếu thẩm mỹ
Trong cuộc sống, con người luôn có những phản ứng “thích” hoặc “không thích” trước các hiện tượng mình có thiện cảm hay ác cảm. Điều đó bắt nguồn từ sở thích. Nếu đấy là các phản ứng trước các hiện tượng thẩm mỹ thì liên quan tới sở thích thẩm mỹ. Thị hiếu thẩm mỹ chính là các sở thích tương đối ổn định của cá nhân hay cộng đồng về phương diện thẩm mỹ.
Sở thích xã hội không nhất thành bất biến. Mọi sự thay đổi bên trong và hoàn cảnh sống của con người đều có thể đưa tới sự thay đổi trong sở thích. Có điều, đã là thị hiếu, trong đó có thị hiếu nghệ thuật thì những sở thích phải mang tính ổn định tương đối. Đó là vì thị hiếu thẩm mỹ không phải và không thể được hình thành ngày một ngày hai. Đó còn vì thị hiếu được nảy sinh trên cơ sở của nhiều nhân tố vật chất và tinh thần, bên trong và bên ngoài khác nhau của con người.
Như các lĩnh vực khác, có thị hiếu thẩm mỹ cá nhân đồng thời có thị hiếu thẩm mỹ cộng đồng (một tộc người, một tầng lớp, một giai cấp, một địa phương…). Chẳng hạn, mỹ học cổ điển chủ nghĩa cuối thế kỷ XVIII được xây dựng trên ý thức phong kiến nên đánh giá rất thấp mọi hiện tượng trong đời sống của “tầng lớp bình dân”. Nhà văn Pháp Boalô từng tuyên bố: “Hãy xa lánh cái thấp hèn, nó bao giờ cũng xấu xa”. Cần thấy sự gắn bó cũng như sự khác biệt  giữa thị hiếu cá nhân và thị hiếu cộng đồng. Bất cứ thị hiếu cá nhân nào, dù muốn hay không cũng đều ít nhiều chịu sự chi phối của thị hiếu cộng đồng. Tuy nhiên, do được xây dựng trên đời sống riêng của mỗi người, thị hiếu thẩm mỹ cá nhân có nhiều mặt không hoàn toàn trùng khớp, thậm chí đi ra ngoài thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng. Điều này phần nào nói lên tính đa dạng, riêng biệt, độc đáo của thị hiếu thẩm mỹ. Phải thấy và chấp nhận đặc tính đó. Nó nói lên sự giàu có của đời sống thẩm mỹ, đời sống văn hóa. Sự đơn điệu, nhất là sự độc tôn của một dạng thị hiếu chỉ chứng tỏ sự nghèo nàn, hời hợt của đời sống tinh thần của con người mà thôi. Thật tẻ nhạt nếu phải sống trong một môi trường hoặc một xã hội như vậy.
Do tính riêng biệt, độc đáo của thị hiếu thẩm mỹ nên có người đã đẩy nó vào lĩnh vực huyền bí mang tính bản năng. Thật ra, thị hiếu thẩm mỹ không hề mang tính bẩm sinh. Nó được hình thành, thậm chí biến đổi nhờ những hoạt động duy trì, phát triển sự sống của bản thân con người. Thị hiếu thẩm mỹ cũng không có tính chất huyền bí. Dẫu khó hiểu đến đâu ta cũng bằng cách này hay cách khác truy tìm thấy cội nguồn nảy sinh ra thị hiếu thẩm mỹ. Nói khác đi, ta có thể giải thích được những biểu hiện muôn màu muôn vẻ của thị hiếu cá nhân cũng như thị hiếu cộng đồng. Đấy là những hiện tượng xã hội – lịch sử trong đó phản ánh những quan niệm sống và lối sống của con người. Bên cạnh cái riêng có cái chung, bên cạnh cái uyển chuyển có cái nguyên tắc. Bởi vậy, bàn bạc hay tranh cãi về thị hiếu thẩm mỹ là khó, nhưng không vì thế mà khước từ hoặc phủ nhận mọi sự bàn bạc, tranh biện về chúng. Đại thể, ta vẫn có thể chia thành hai loại thị hiếu thẩm mỹ: lành mạnh  không lành mạnh. Cơ sở của phân loại này là ở việc xem xét thị hiếu bắt nguồn từ nhu cầu thẩm mỹ nào, chính đáng hay không chính đáng, thực chất hay hình thức, tôn thêm hay hạ thấp phẩm hạnh con người.
Ở đây đụng phải một vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp – vấn đề “mốt”. “Mốt”là hiện tượng thay đổi từng phần các hình thức biểu hiện của đời sống văn hóa do tác động của các nguyên nhân kinh tế, xã hội, đạo đức, thẩm mỹ khác nhau. Dễ thấy biểu hiện của “mốt” qua y phục, song phạm vi của “mốt” rộng hơn nhiều: “mốt” đầu tóc, “mốt” âm nhạc, “mốt” vũ điệu, “mốt” thi ca… Thái độ trước “mốt” phản ánh sự nhạy bén trước cái mới – một nhu cầu không thể thiếu đối với con người, nhất là tầng lớp thanh niên trong một xã hội văn minh. Tuy nhiên, sự học đòi “mốt” bất chấp điều kiện và hoàn cảnh sống, bất chấp tập quán và tâm lý dân tộc lại thể hiện bản lĩnh, trình độ và năng lực thẩm mỹ thấp kém ở con người. Thị hiếu thẩm mỹ bao giờ cũng đi liền với phán đoán thẩm mỹ. Phần nào khác với cảm xúc thẩm mỹ, thị hiếu đạt đến một sự hài hòa nhất định giữa tình cảm và lý tính. Thật bấp bênh khi phán đoán thẩm mỹ của con người tỏ ra không còn tinh nhạy. Lúc đó, mọi ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài sẽ có đất hoành hành. Sẽ ra sao nếu con người mất đi khả năng tự chủ, khả năng tự đề kháng!
Vai trò của nghệ thuật rất lớn trong việc xây dựng những thị hiếu thẩm mỹ tích cực. Tuy thế, không được đồng nhất thị hiếu nghệ thuật với thị hiếu thẩm mỹ. Đó là hai khái niệm không hoàn toàn trùng khớp với nhau. Thị hiếu thẩm mỹ bao hàm một mặt cơ bản của thị hiếu nghệ thuật – mặt thẩm mỹ. Trong khi ngoài mặt thẩm mỹ, người ta có thể dùng những thước đo khác để xem xét thị hiếu nghệ thuật. Nói như V. Lênin: “Không thể vận dụng chỉ những phán đoán thẩm mỹ” trong đánh giá nghệ thuật. Ví như: tính chân thật của tác phẩm nghệ thuật. Không ai không thấy tầm quan trọng của nó trong thẩm định nghệ thuật. Cũng không thể tách thị hiếu thẩm mỹ ra khỏi thị hiếu nghệ thuật. Sự gắn bó và tác động qua lại giữa chúng là một sự thật hiển nhiên. Thị hiếu nghệ thuật là hạt nhân của thị hiếu thẩm mỹ, ngược lại thị hiếu thẩm mỹ lại là mảnh đất nảy sinh ra thị hiếu nghệ thuật. Thấy được mối tương quan giữa thị hiếu thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật sẽ thật sự có ý nghĩa trong việc xây dựng đời sống thẩm mỹ cũng như đời sống nghệ thuật tiến bộ, lành mạnh và hiện đại.
II.2.4. Quan điểm thẩm mỹ
Ý thức xã hội gồm hai bộ phận liên quan trực tiếp với nhau: tư tưởng xã hội và tâm lý xã hội. Cũng như các dạng thức khác của ý thức xã hội, ý thức thẩm mỹ vừa được biểu lộ ở cấp độ tâm lý (cảm xúc và thị hiếu thẩm mỹ), vừa được biểu lộ ở cấp độ tư tưởng (quan điểm và lý tưởng thẩm mỹ).
Quan điểm thẩm mỹ là một bộ phận hợp thành thế giới quan của cá nhân và xã hội. Thế giới quan là hệ thống quan niệm, quan điểm của con người về thế giới. Cần thấy tính đa dạng và tính thống nhất của thế giới quan. Cũng cần thấy vai trò quyết định của quan điểm, quan niệm triết học và chính trị tới các bộ phận khác trong thế giới quan. Nói khác đi, thế giới quan bao giờ cũng mang tính giai cấp khi xã hội còn phân chia giai cấp. Tuy vậy, sự tác động qua lại giữa các giai cấp về mặt tư tưởng cũng là một thực tế hiển nhiên.
Mọi quan điểm, trong đó có quan điểm thẩm mỹ, thường mang tính lý luận và tính hệ thống. Quan điểm thẩm mỹ là sự khái quát nhu cầu thẩm mỹ của xã hội và hoạt động thẩm mỹ của con người. Đó là những nguyên tắc tiếp cận các hiện tượng và quá trình thẩm mỹ ngoài đời sống và trong nghệ thuật. Do vậy, quan điểm thẩm mỹ chỉ đạo mọi hoạt động thẩm mỹ, đặc biệt là hoạt động nghệ thuật của người nghệ sĩ. Trong lịch sử mỹ học, người ta hay nhắc tới thái độ của nhà mỹ học người Đức Bectôn Brêch đối với những nguyên tắc kịch truyền thống. Nhân đi qua nơi chôn cất Sêchxpia và người khán giả đã cuồng nhiệt bắn diễn viên Otenlô trong vở kịch cùng tên của Sêchxpia, nhà viết kịch vĩ đại vốn tôn thờ nguyên tắc duy lý này đã đề nghị sửa những câu viết trên mộ chí của họ. Từ câu “Nơi đây yên nghỉ nhà viết kịch và người khán giả tài năng nhất thế giới”, ông đề nghị chữa lại thành “Nơi đây yên nghỉ nhà viết kịch và người khán giả tồi nhất thế giới”. Xây dựng quan điểm thẩm mỹ đúng đắn và tích cực, vì vậy, là một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục thẩm mỹ.
Vì quan điểm thẩm mỹ bị chi phối bởi quan điểm triết học và chính trị, nên lịch sử mỹ học chính là lịch sử đấu tranh giữa quan điểm mỹ học duy vật và duy tâm, tiến bộ và lạc hậu. Điều này diễn ra ngay từ thời cổ đại ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Thuyết “bắt chước” trong việc lý giải bản chất nghệ thuật trong hệ thống mỹ học của Platon va Arixtote là một minh chứng. Chẳng thế, mặc dù đã theo học Platon trong nhiều năm ròng, Arixtote vẫn tuyên bố: “Thầy Platon với tôi là rất thân thương, nhưng chân lý với tôi còn thân thương hơn”. Ở ta, cuộc tranh luận giữa các cụ Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng với Phạm Quỳnh chung quan Truyện Kiều, giữa phái Nghệ thuật vị nhân sinh với phái Nghệ thuật vị nghệ thuật hồi đầu thế kỷ XX cũng nằm trong quy luật chung đó của lịch sử mỹ học.
Ngày nay, trong việc xây dựng đời sống văn hóa thẩm mỹ dân tộc – hiện đại, cuộc đấu tranh trên vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau. Những quan điểm thẩm mỹ đồi trụy, lai căng có lúc, có nơi vẫn chưa bị lên án, tác động không nhỏ đến hoạt động thẩm mỹ của nhiều người, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên. Ngay cả những quan điểm thẩm mỹ tưởng không cần phải tranh luận về tính đúng đắn của chúng như Cái đẹp là sự giản dị (M. Gorki) cũng không phải đã được mọi người chấp nhận và tuân thủ. Mới biết việc tạo lập nếp nghĩ, nếp sống, nếp hành động thật sự văn hóa khó khăn và dài lâu biết chừng nào!
II.2.5. Lý tưởng thẩm mỹ
Con người không thể sống thiếu lý tưởng. Xưa đã thế, nay vẫn thế và mai sau còn thế. Ý nghĩa của đời sống tùy thuộc phần nhiều vào lý tưởng mà con người theo đuổi.
Có nhiều dạng lý tưởng trong đó có lý tưởng thẩm mỹ. Tính xã hội của lý tưởng thẩm mỹ nói lên mối quan hệ hữu cơ giữa lý tưởng thẩm mỹ với các lý tưởng chính trị, tôn giáo và đạo đức… Nhưng lý tưởng thẩm mỹ có những đặc thù riêng. Lý tưởng thẩm mỹ là hình ảnh mẫu mực cảm quan về sự hoàn thiện hoàn mỹ của cuộc sống và con người.
Mọi lý tưởng trong đó có lý tưởng thẩm mỹ phải có sự kết hợp giữa yếu tố lãng mạn và yếu tố hiện thực. Nói đến lý tưởng là nói đến khát vọng, ước mơ ở trên và đi trước thực tại. Lý tưởng hấp dẫn, lôi cuốn con người là vì vậy. Tuy nhiên, nếu không muốn thành ảo tưởng vô vọng thì bên cạnh tính lãng mạn, lý tưởng cần phải dung chứa tính hiện thực. Tsecnưsepxki nói: “Cuộc sống đẹp là cuộc sống phải diễn ra theo các khái niệm của chúng ta”. Chính tính hiện thực đã làm cho lý tưởng có sức sống. Do vậy, khi kêu gọi “nên mơ ước”, đồng thời phải bổ sung “nên hành động”. Những mục tiêu cao đẹp cần có cơ sở thực thi dầu mới ở dạng tiềm ẩn.
Như các dạng thức khác, lý tưởng thẩm mỹ vừa có tính giai cấp, tính dân tộc, lại vừa có tính nhân loại. Đó là cơ sở của tính kế thừa trong việc xây dựng lý tưởng thẩm mỹ. Không phải mọi cái xưa đều cũ, đều cần phá bỏ. Chẳng hạn, sẽ không bao giờ lạc hậu nếu gắn liền sự cao thượng trong tình yêu, tình bạn với cái đẹp. Song cũng cần thấy sự hạn chế tất yếu của lý tưởng thẩm mỹ trong một giai đoạn lịch sử hoặc ở một giai cấp, một cộng đồng nào đó. Chẳng hạn, không thể chấp nhận vẻ đẹp bao giờ cũng đi liền với sự giàu có về tiền tài, vật chất trong xã hội tư bản. Một nhân vật trong truyện cổ tích Hoàng tử tí hon của nhà văn Pháp Equypêrơ chê trách một cách đúng đắn: “Nếu như anh nói với những người lớn tuổi rằng tôi đã thấy một ngôi nhà đẹp, lát gạch hồng với cây thiên trúc quỳ bên cửa sổ và những con chim bồ câu trên mái thì chưa chắc họ có thể  hình dung được. Đối với họ cần phải nói rằng tôi đã nhìn thấy ngôi nhà trị giá một trăm ngàn phrăng, thì lúc bấy giờ họ sẽ thốt lên là: Ôi cái nhà đẹp biết dường nào!”.
Vì lý tưởng thẩm mỹ nói lên hình ảnh đẹp cần phải hướng tới của con người và cuộc sống nên nó là hình thức biểu hiện cao nhất của ý thức thẩm mỹ. Mọi hoạt động thẩm mỹ đều lấy nó làm đích để vươn tới, đều coi nó làm chuẩn mực để đánh giá hiệu quả và ý nghĩa của mình. Lý tưởng thẩm mỹ còn là sản phẩm cao nhất của ý thức thẩm mỹ. Xây dựng một lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp luôn là mong muốn của mỗi cá nhân và của cả xã hội. Điều này lệ thuộc vào hoàn cảnh sống và hoạt động của con người. Nhưng ý thức và sự rèn luyện của từng cá nhân mới mang tính quyết định. Trong môi trường văn hóa chung cũng như sự trau dồi học hỏi riêng, nghệ thuật bao giờ cũng giữ một vai trò đặc biệt. Song, chớ nên quên rằng, những hoạt động thẩm mỹ ngoài nghệ thuật lại có giá trị định hướng thường xuyên và rộng lớn hơn nhiều. Biết tận dụng và phát huy mọi phương tiện và hình thức giáo dục lý tưởng thẩm mỹ chính là bí quyết nâng cao một cách có hiệu quả chất lượng đời sống trong xã hội và đối với mỗi người.
_________________________________________________
Chương III
ĐỐI TƯỢNG THẨM MỸ
Nhiều giáo trình mỹ học hiện nay ở nước ta, khái niệm này quen gọi là khách thể thẩm mỹ. Có gì không thật chính xác cho lắm. Cần phân biệt hai khái niệm: đối tượng  khách thể. Khi dùng thuật ngữ khách thể, ta muốn chỉ toàn bộ hiện tượng khách quan để đối lập với chủ thể nhận thức là con người. Còn khi sử dụng thuật ngữ đối tượng là ta chỉ muốn nói tới một bộ phận, một mặt nào đó của thế giới khách quan đang được chủ thể chú tâm tìm hiểu. Khách thể là vô cùng vô tận. Còn đối tượng là khách thể đã được xác định trong một mối liên hệ cụ thể. Do vậy, hệ thuật ngữ mỹ học chính xác nhất thể hiện mối quan hệ thẩm mỹ phải làchủ thể thẩm mỹ  đối tượng thẩm mỹ.
III.1. Khái quát về đối tượng thẩm mỹ
III.1.1. Đặc tính của đối tượng thẩm mỹ
Đối tượng thẩm mỹ chính là mặt thẩm mỹ, các hiện tượng thẩm mỹ khách quan trong một mối quan hệ thẩm mỹ cụ thể nào đó. Đối tượng thẩm mỹ trực tiếp tác động tới chủ thể thẩm mỹ vào một thời điểm và ở một địa điểm xác định. Nó cuốn hút chủ thể thẩm mỹ bởi sức gợi cảm đặc biệt. Những phẩm chất thẩm mỹ bên ngoài tác động tới chủ thể đường đột tức thời. Song ngay sau đấy, ý thức thẩm mỹ cho phép con người đi sâu tìm hiểu, khám phá và lý giải chúng. Sức hấp dẫn của chúng vì thế mà càng gia tăng. Điều này tuyệt nhiên không phủ nhận tính khách quan – đặc tính cơ bản nhất của đối tượng thẩm mỹ. I. Kant cho rằng, vẻ đẹp không phải ở má hồng người thiếu nữ mà trong đôi mắt của kẻ si tình là không thật thấu đáo. Cái thẩm mỹ toát lên từ toàn bộ những phẩm chất, những thuộc tính có thật, không lệ thuộc vào người tiếp nhận nó. Năng lực thẩm mỹ của chủ thể có thể làm tăng hay giảm phẩm chất hay thuộc tính thẩm mỹ, song không tạo ra chúng. Nhấn mạnh mặt này hay xem nhẹ mặt kia đều không biện chứng, không khoa học.
Cũng cần lưu ý là phẩm chất và thuộc tính của đối tượng thẩm mỹ không chỉ bắt nguồn từ bản thân sự vật, hiện tượng riêng lẻ mà còn bắt nguồn từ mối tương quan giữa chúng với môi trường chung quanh. Cánh chim chỉ đẹp khi chao lượn giữa bầu trời xanh bao la; cánh buồm chỉ đẹp khi vượt muôn trùng sóng vỗ giữa biển khơi. Trong xã hội và đối với con người cũng vậy. Một con người đẹp là đẹp giữa cộng đồng; một hành vi đẹp là trong mối quan hệ giữa người với người. Tách khỏi cộng đồng với những mối quan hệ phong phú và nhiều vẻ thậm chí hoàn toàn mất đi cơ sở để phán đoán cái gì là đẹp và xấu, là cao cả và thấp hèn.
Phẩm chất và thuộc tính của đối tượng thẩm mỹ có thể nảy sinh trước hết từ hình thức hoặc nội dung, song giá trị thẩm mỹcủa sự vật và hiện tượng bao giờ cũng được xác định chủ yếu bởi nội dung. Điều này có ý nghĩa phổ quát, đúng cả với các hiện tượng thẩm mỹ ngoài đời sống cũng như trong nghệ thuật. Có điều, trong nghệ thuật, điều này trở thành nguyên lý mỹ học chi phối mọi hoạt động sáng tạo, cảm thụ, và đánh giá nghệ thuật. Xa rời nguyên lý cơ bản về vai trò quyết định của nội dung trong hoạt động nghệ thuật sẽ có nguy cơ tạo ra môi trường cho chủ nghĩa hình thức hoành hành. Tính tích cực xã hội của nghệ sĩ vì thế cũng dần dà bị bào mòn. Nghệ thuật ngày càng xa rời những đòi hỏi bức thiết của con người và đời sống.
Xác định phẩm chất thẩm mỹ của mọi hiện tượng và quá trình trong tự nhiên, xã hội, lưu tâm tới việc khai thác, đồng hóa thực tại về phương diện thẩm mỹ chính là sự khẳng định tính phong phú, cao đẹp của đời sống con người. Ngoài đời sống chính trị, đạo đức, khoa học, tôn giáo… con người còn có đời sống thẩm mỹ với những vẻ riêng biệt. Con người không chỉ cần hệ tiêu chí đánh giá cái đúng và cái tốt, mà còn cần nhiều hệ tiêu chí đánh giá khác trong đó có việc xem xét, đánh giá cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài… Đời sống con người do vậy mà giàu có thêm lên.
Gió trăng chứa một thuyền đầy
Của kho vô tận biết ngày nào vơi
                                                                                (Nguyễn Công Trứ)
“Của kho vô tận” của thực tại chỉ thuộc về những ai sẵn lòng và có khả năng tiếp nhận nó. Và khi ấy, con người càng xứng đáng là vị chủ nhân chân chính của vũ trụ bao la.
Ngoài tính khách quan, cũng cần lưu ý tới tính độc đáo của đối tượng thẩm mỹ. Tạo hóa sinh ra muôn vật, muôn người không hề giống nhau. Ngay cha con nhiều lắm cũng hao hao như nhau; anh chị em sinh đôi giống nhau tới mức như là “hai giọt nước” thì cũng chỉ là một phép so sánh, thực tế thì đâu có hoàn toàn như vậy. Tuy nhiên, vẻ riêng biệt, không lặp lại của sự vật và hiện tượng khách quan được đối xử không giống nhau trong quan hệ xã hội. Các quan hệ chính trị, khoa học, đạo đức… không thực coi trọng chúng. Trong khi chúng được đặc biệt đề cao trong mối quan hệ thẩm mỹ. Thậm chí mọi sự vật, con người sẽ không còn là đối tượng thẩm mỹ nữa khi chúng bị tước đi vẻ đẹp độc đáo của riêng mình. Phẩm chất thẩm mỹ càng gia tăng khi đối tượng thẩm mỹ càng lung linh vẻ đặc sắc hiếm có. Có thể xem đời sống thẩm mỹ là lãnh địa của cái riêng, nơi nó tìm thấy sự bộc lộ mình đầy đủ nhất. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với nghệ thuật mà như văn hào M. Gorki đã từng nói là nếu mất cá tính đi thì đồng nghĩa là không có gì cả. Trong sản xuất vật chất, người ta cần tạo ra những sản phẩm tốt nhất, càng nhiều càng hay. Nghệ thuật thì khác, phải tạo ra những sản phẩm duy nhất chưa từng xuất hiện. Trong hoạt động xã hội, người ta muốn có những người ưu tú nhất, càng nhiều càng quý. Nghệ thuật không giống thế, mỗi nghệ sĩ phải có gương mặt sáng tạo riêng không được phép lặp lại người khác.
III.1.2. Các phạm trù thẩm mỹ tích cực và tiêu cực
Để biểu thị đối tượng thẩm mỹ, người ta có thể dùng nhiều phạm trù khác nhau như cái đẹp, cái xấu, cái cao cả, cái thấp hèn, cái bi, cái hài, cái hùng… Đó là những phạm trù thẩm mỹ cơ bản. Không thể liệt kê ra hết những phạm trù thẩm mỹ không cơ bản khác nhau, chúng phong phú như chính bản thân đời sống thẩm mỹ. Chẳng hạn: cái duyên, cái xinh. Cái đẹp không dung chứa toàn bộ cái duyên. Ngay cả cái xinh cũng không hoàn toàn là cái đẹp. Đối tượng thẩm mỹ còn là một vùng đất thăm thẳm trước những khám phá mỹ học của người nghiên cứu. Và cứ mỗi lần chiếm lĩnh được một phạm trù nào lại là một dịp tiếp cận gần hơn cái đích gần như vô hạn định của tri thức thẩm mỹ.
Nếu ý thức thẩm mỹ là khái niệm thể hiện chủ thể thẩm mỹ bao quát nhất thì khi biểu hiện đối tượng thẩm mỹ, người ta sử dụng khái niệm cái thẩm mỹ. Đó là phạm trù thẩm mỹ bao trùm lên các phạm trù thẩm mỹ cụ thể, cơ bản và không cơ bản. Cái thẩm mỹ gồm cả phạm trù thẩm mỹ tích cực lẫn phạm trù thẩm mỹ tiêu cực. Cơ sở của sự phân chia là xét xem phạm trù thẩm mỹ ấy có phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của sự sống, của lịch sử và của xã hội hay không. Tiếng gà trống đánh thức buổi bình minh mở đầu một ngày lao động giàu ý nghĩa được con người coi là đẹp. Nấm độc giàu màu sắc sặc sỡ vẫn bị xem là xấu. Cái chết của Hitler kết thúc mối hiểm họa của chủ nghĩa phát xít hủy diệt không thương tiếc nền văn minh của loài người bị liệt rất đúng vào cái xấu. Trong khi sự ra đi của Hồ Chí Minh lại mang vẻ đẹp sáng ngời.
            Ngôi sao ấy lặn hóa bình minh
                                                                (Tố Hữu)
Với tất cả những lý do đó, cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hùng là các phạm trù thẩm mỹ tích cực; còn cái xấu, cái thấp hèn, cái hài là các phạm trù thẩm mỹ tiêu cực. Cũng cần nhận thấy vị trí trung tâm của cái đẹp trong hệ thống các phạm trù thể hiện đối tượng thẩm mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh nghệ thuật, cái đẹp lại được con người trong các thời kỳ lịch sử quan tâm tìm hiểu nhiều đến như vậy. Có người thậm chí nói quá đi rằng lịch sử mỹ học chính là lịch sử nghiên cứu cái đẹp. Vị trí trung tâm của cái đẹp trước hết bộc lộ ở chỗ, trong một chừng mực nhất định, người ta có thể dùng các thuộc tính cơ bản của cái đẹp để xác định bản chất các phạm trù thẩm mỹ khác. Từ trong bản chất, cái bi chính là cái đẹp khi gặp thất bại. Có người gọi cái bi là cái đẹp bị hủy diệt là vì thế. Người ta cũng có thể định nghĩa cái xấu – phạm trù thẩm mỹ sóng đôi đối lập với cái đẹp, bằng việc đảo ngược toàn bộ thuộc tính của cái đẹp. Với ý nghĩa ấy, mọi hiện tượng và các quá trình càng xấu thì càng xa lạ với cái đẹp. Cái hài là gì nếu không phải là sự phá bỏ sự hài hòa vốn là đặc tính nổi bật của cái đẹp. Cái hài lại ưa đội lốt cái đẹp. Càng đội lốt cái đẹp, cái hài càng đáng phỉ báng, giễu cợt. Thế còn cái cao cả? Không ít người xem cái cao cả như là cái đẹp ở mức độ phát triển rực rỡ. Như Kant và Tsecnưsepxki. Hai ông nhấn mạnh đến “vẻ đẹp đồ sộ”, “vẻ đẹp quảng tính” khi nói về bản chất của cái cao cả.Vị trí trung tâm của cái đẹp còn đặc biệt được bộc lộ trong hình thái biểu hiện cao nhất của mối quan hệ thẩm mỹ là nghệ thuật. Cái đẹp bao giờ cũng là mục tiêu hướng tới của những nghệ sĩ chân chính xưa nay. Đối tượng đẹp khách quan luôn được nghệ thuật coi trọng. Tư tưởng, tình cảm đẹp bao giờ cũng là khát vọng biểu hiện của nghệ thuật chân chính xưa nay. Tác phẩm nghệ thuật không khi nào không đòi hỏi một vẻ đẹp hoàn thiện từ hình thức đến nội dung. Nói gọn lại, nghệ thuật sẽ trở nên vô vị, vô định hướng nếu xa rời hoặc bỏ rơi cái đẹp.
Cuối cùng, không nên quên sự gắn bó  sự chuyển hóa qua lại tinh tế và sâu sắc của các phạm trù thẩm mỹ. Nhận thức buộc ta phải chia ra tương đối rạch ròi để có thể phân định, phân biệt. Trong thực tế, các phạm trù thẩm mỹ không tồn tại độc lập, tách biệt nhau. Mọi ý hướng, mọi cách xem xét đơn giản, một chiều đều tỏ ra cất cập, đôi khi bất lực trong việc giải đáp nhiều hiện tượng thẩm mỹ vốn vô cùng phức tạp đan chéo nhau trong đời sống cũng như trong nghệ thuật.
III.2. Cái đẹp
So với các phạm trù thẩm mỹ khác, cái đẹp ra đời sớm nhất. Cảm xúc thẩm mỹ do cái đẹp gợi ra trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại gắn liền với các công cụ và sản phẩm lao động trong đó cái tiện lợi còn hòa nhập với cái thẩm mỹ. Dần dà cùng với sự phát triển của tư duy và tình cảm, cái thẩm mỹ tách ra khỏi cái tiện lợi, song vẫn liên hệ ở mức độ này mức độ khác, bằng cách này cách khác với cái tiện lợi.
Mặc dầu lịch sử của cái đẹp hầu như gắn liền với lịch sử của loài người, mặc dù con người trong suốt quá trình sinh sống từ cổ xưa đến ngày nay không ngừng tìm hiểu và lý giải cái đẹp, song để đi đến một quan niệm thống nhất tương đối về cái đẹp quả không mấy dễ dàng. Bởi cái đẹp là một phạm trù thẩm mỹ phổ biến không chỉ có trong thiên nhiên mà còn có trong xã hội, không chỉ có nơi con người mà còn có trong mọi hoạt động và sản phẩm gắn liền với con người. Đó còn bởi sự cảm nhận về cái đẹp vô cùng tinh tế và muôn vẻ. Người ta có thể dễ dàng nói “cái gì đẹp?” nhưng rất khó trả lời “cái đẹp là gì?”.
Nói vậy hoàn toàn không có nghĩa cái đẹp là “bất khả tri” đối với con người, cũng không có nghĩa không có sự tương đồng ở một mức độ nhất định trong quan niệm về cái đẹp thuộc các tầng lớp, các dân tộc ở các giai đoạn, các thời đại khác nhau. Đành rằng cái đẹp là một phạm trù lịch sử – cụ thể, luôn biến đổi trong không gian và thời gian. Không ít cái xưa cho là đẹp nay lại cho là xấu, cũng không ít cái gợi lên cảm xúc thẩm mỹ tích cực ở người này nhưng lại tạo ra cảm xúc thẩm mỹ tiêu cực ở người kia… Tuy nhiên, vẫn có thể tìm ra mẫu số chung nào đó, nhất là trong quan niệm của những ai thật lòng muốn đi tìm một cái đẹp đích thực.
Đã có những quan niệm về cái đẹp đạt tới sự thừa nhận rộng rãi, chẳng hạn như coi hài hòa là quy luật phổ biến của cái đẹp. Hài hòa của các sự vật, hiện tượng trong tư nhiên và xã hội là sự thống nhất hữu cơ giữa các yếu tố, giữa các bộ phận với cái toàn thể, giữa vẻ bên ngoài với phẩm chất bên trong. Sự hài hòa đặc biệt được biểu lộ nơi con người - kiểu mẫu của muôn loài. Cóvẻ hài hòa cụ thể lại có vẻ hài hòa trừu tượng. Hài hòa cụ thể thường bộ lộ ra bên ngoài, đập mạnh vào các giác quan của con người. Đó có thể là vẻ cân xứng hoặc không cân xứng nhưng bao giờ cũng thống nhất với nhau trong một chỉnh thế. Có hai dạng kết hợp tạo ra sự hài hòa cụ thể. Sự kết hợp giữa các mặt đối lập tương phản và sự kết hợp giữa các mặt không đối lập không tương phản. Chiếc caravat màu sẫm nổi bật trên nền áo sơ mi màu trắng là hài hòa. Chiếc caravat màu sẫm cùng với bộ veston cũng màu sẫm lại tạo nên một sự hài hòa khác, không phải không hấp dẫn và đáng chú ý. Nếu sự hài hòa cụ thể thường liên quan đến các vật vô cơ, cảnh trí thiên nhiên, hình thể con người… thì trái lại, sự hài hòa trừu tượng chủ yếu liên quan đến vẻ đẹp của thế giới hữu cơ, của con người và của tác phẩm nghệ thuật. Sự hài hòa lớn nhất đối với một tác phẩm nghệ thuật là sự thống nhất sinh động giữa nội dung và hình thức. Nội dung nghệ thuật bao giờ cũng là nội dung của một hình thức nhất định, và ngược lại, hình thức nghệ thuật bao giờ cũng nhằm thể hiện một nội dung nào đó. Không bao giờ có một nội dung trừu tượng cũng như không hề có một hình thức chung chung. Nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật trong một tác phẩm gắn bó hữu cơ với nhau. Như tác phẩm nghệ thuật, vẻ đẹp của con người được tạo bởi nhiều yếu tố hỗ trợ cho nhau, hài hòa với nhau, bao trùm nhất là sự hài hòa giữa phẩm chất bên trong và dáng vẻ bên ngoài. Riêng đối với phẩm chất bên trong của con người, đó là sự hài hòa giữa tài và đức, trí tuệ và tình cảm, suy nghĩ  và hành động, riêng và chung… Để nhận biết được vẻ đẹp của sự hài hòa trừu tượng, cần nâng trực quan sinh động lên tư duy khái quát. Ở đây vai trò của phán đoán, so sánh là rất to lớn. Song nhận thức cảm tính không vì thế mà tỏ ra vô hiệu. Với đời sống thẩm mỹ, trực giác tinh nhạy bao giờ cũng cần thiết và ít khi lừa đối chúng ta.
Quan niệm “Cái đẹp là cuộc sống” của nhà mỹ học người Nga ở thế kỷ XIX Tsecnưsepxki cũng được nhiều người tán đồng. Cái đẹp có trong đời sống, trong ta và ở quanh ta. Cái đẹp đa dạng và phong phú như chính cuộc sống của con người. Ở đây, bất cứ cái gì gợi cho con người mối liên tưởng về sự sống thường được coi là đẹp. Một người đẹp không thể là một người xanh xao, yếu ớt; một tán cây đẹp phải sum suê, xanh tốt… Sự liên tưởng này thường phức tạp và đa dạng. Có sự liên tưởng trực tiếp với sự sống. Một em bé bụ bẫm chẳng hạn. Lại có liên tưởng gián tiếp như son phấn trong trang điểm của người phụ nữ. Không phải vô cớ khi má phơn phớt hồng ở người phụ nữ lại gợi lên sự hấp dẫn. Tuy nhiên, quan niệm “Cái đẹp là cuộc sống” cần được hiểu một cách bao quát hơn. Cái đẹp không chỉ gợi nên sức sống. Có thể nói tất cả những gì liên quan đến sự sống nói chung đều gần gũi với cái đẹp. Theo ý nghĩa ấy, hoàng hôn kết thúc một ngày vẫn có sức cuốn hút chúng ta. “Một tồn tại được gọi là đẹp là tồn tại trong đó chúng ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của mình, một đối tượng đẹp là đối tượng chứng tỏ nó mang một cuộc sống hay gợi cho chúng ta ý niệm về cuộc sống” – Tsecnưsepxki đã nhấn mạnh như vậy. Và nếu đặt quan niệm của ông vào thời đại ông sống thì ý nghĩa của nó càng tăng gấp bội. Thời ấy, không ít quan niệm mỹ học duy tâm bằng cách này cách khác tách cái đẹp ra khỏi thực tế đời sống lại tỏ ra có ưu thế. Gắn liền với ý định đó là việc đặt cái đẹp nghệ thuật lên trên cái đẹp đời sống. Hegel từng tuyên bố loại bỏ cái đẹp trong tự nhiên ra khỏi phạm vị đối tượng nghiên cứu của mỹ học. Vì sao vậy? Vì chúng là “bàng quan”, không tự do, nên không có tiêu chuẩn gì có thể thống nhất trong sự phán đoán về cái đẹp. Khi khẳng định dứt khoát “Cái đẹp là cuộc sống”,Tsecnưsepxki kiên quyết bảo vệ lập trường mỹ học duy vật của mình. Đừng đi tìm cái đẹp ở bên trên và bên ngoài cuộc sống của con người. Vẻ đẹp đích thực tồn tại trong cuộc đời trần tục, không hề xa lạ. Và cái đẹp nghệ thuật có thể tập trung hơn, đậm đặc hơn cái đẹp đời sống nhưng đều được bắt nguồn, được nâng cao, được kết tinh từ chính cái đẹp đời sống.
Vẻ đẹp đời sống muôn hình vạn trạng. Đó là cái đẹp trong thiên nhiên, trong xã hội và bản thân chủ nhân của thiên nhiên, xã hội – con người. Thiên nhiên là nơi khởi nguyên của cái đẹp. Vẻ đẹp thiên nhiên là thước đo đầu tiên của vẻ đẹp trong đời sống và trong nghệ thuật. Bản thân mối quan hệ mật thiết giữa thiên nhiên và nghệ thuật đã khẳng định vai trò của cái đẹp trong tự nhiên. Từ bao đời nay, thiên nhiên là một trong những đối tượng thể hiện hấp dẫn nhất của nghệ thuật. Đọc Truyện Kiều, liệu có ai không nhớ câu thơ diễn tả cảnh đẹp mùa thu này:
Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng
Cảm hứng nghệ thuật bắt nguồn từ đất trời, sông núi, cỏ cây, hoa lá… thật vô cùng tận. Biết bao kiệt tác nghệ thuật được khởi nguồn từ đó. Và không chỉ có như vậy, chính vẻ đẹp thiên nhiên đã từng là thước đo ban đầu của nghệ thuật. Đây chính là cơ sở của quan niệm “bắt chước” khi giải thích bản chất của nghệ thuật trong các học thuyết mỹ học Hy Lạp thời cổ đại. Âm nhạc là sự“bắt chước” âm thanh tự nhiên của chim chóc, sông suối… Hội họa thì là sự “bắt chước” sắc màu và đường nét của cây cối, động vật…
Cái đẹp trong xã hội vô cùng phong phú, đó là cái đẹp trong đời sống hàng ngày, trong lao động và trong đấu tranh. Không nên xem thường cái đẹp bình dị hàng ngày của cuộc sống đời thường. Một hành vi, một lối cư xử, một nếp sống, một thói quen… trong gia đình và nơi cộng cộng đều cần được đánh giá theo tiêu chuẩn của cái đẹp. Và cuộc đời của mỗi người cũng như cuộc sống của mỗi cộng đồng sẽ có ý nghĩa biết bao nếu ở đâu, vào thời điểm nào, cái đẹp cũng luôn ngự trị trong ý thức cũng như trong thực tế. Văn hóa thẩm mỹ chỉ được phát triển trong môi trường thẩm mỹ lành mạnh và phong phú. Song nếu lao động là thước đo giá trị của con người, là tiêu chuẩn xem xét ý nghĩa của một đời người thì cái đẹp thông qua quá trình lao động và ở thành quả lao động cần được đặc biệt coi trọng.
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
                                                                                (Hoàng Trung Thông)
Con người càng được tự do thì lao động càng không là việc làm khổ sai, nặng nhọc. Họ tích cực tự giác cải tạo thiên nhiên vì mục đích của chính con người. Vẻ đẹp trong lao động tạo ra những sản phẩm tinh thần cũng như vật chất khi ấy càng có điều kiện lung linh  chói sáng. Đấy là lý do giải thích vì sao mỹ học hiện đại lại tập trung nghiên cứu mặt thẩm mỹ trong lao động nhiều đến như vậy. Tuy nhiên, muốn vươn tới tự do, con người không chỉ cần được giải thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào tự nhiên. Nhiều thế lực và mối ràng buộc xã hội khác nhau luôn đe dọa con người, khiến con người phải đứng lên giành và giữ cuộc sống và khát vọng tự do của mình.
Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do
                                                                                (Hồ Chí Minh)
Vẻ đẹp nảy sinh trong quá trình và thành quả đấu tranh xã hội chân chính xưa nay  được mỹ học đặc biệt đề cao. Vẻ đẹp không thể đứng ngoài cuộc xung đột giữa chân và ngụy, thiện và ác, chính và tà. Đó cũng là sự khác biệt chủ yếu giữa cái đẹp trong xã hội và cái đẹp trong thiên nhiên. Nói khác đi, nếu cái đẹp là một phạm trù giá trị, thì giá thị thẩm mỹ trong đời sống của con người bao giờ cũng gắn chặt với giá trị chính trị, giá trị nhận thức và giá trị đạo đức. Cái đẹp không bao giờ tách ra khỏi cái tiến bộ, cái chân và cái thiện là vì thế!
Tiêu biểu cho vẻ đẹp trong xã hội là vẻ đẹp nơi con người. Tục ngữ có câu “Người ta là hoa đất”. Nhà thơ dân tộc Giáy là Lò Ngân Sủn thì viết:
                                                   Người đẹp là ước mơ
Treo nước mắt mọi người…
Vẻ đẹp có ở khuôn mặt, vóc dáng, hình hài nơi con người. Thật may mắn cho những người được trời phú cho một vẻ đẹp bề ngoài hấp dẫn. Câu “Cái nết đánh chết cái đẹp” chỉ đúng khi có sự đắn đo, cân nhắc giữa “sắc” với “tài”  “đức”. Còn nhìn chung, không một ai có trí tuệ lành mạnh tích cực lại xem nhẹ vẻ đẹp của thân xác con người. Những trí tuệ lành mạnh tích cực đồng thời đề cao vẻ đẹp của phẩm chất bên trong con người. Trong trường hợp này, đi cùng với cái đẹp là cái duyên. Vẻ đẹp bề ngoài có thể phôi phai theo năm tháng, riêng cái duyên thì ít bị biến đổi hơn nhiều.
Tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên, xã hội và con người được tập trung trong nghệ thuật – nơi hội tụ của cái đẹp. Đã đành ở đâu và trong bất cứ lãnh vực nào, con người cũng mong muốn “sáng tạo theo quy luật của cái đẹp”. Song chỉ trong nghệ thuật, con người mới có dịp tiếp xúc với cái đẹp rõ rệt và thường xuyên hơn cả. Vì đây là một lĩnh vực sản sinh ra cái đẹp một cách có ý thức nhất, chuyên biệt nhất. Cái đẹp trong tác phẩm nghệ thuật mang vẻ hoàn thiện, đẹp cả về nội dung lẫn hình thức. Trong nội dung tác phẩm, dễ thấy hơn là đối tượng đẹp (con người đẹp, môi trường đẹp, cảnh trí đẹp…). Thể hiện cái xấu cũng nhằm hướng tới cái đẹp.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
                                                                   (Nguyễn Khuyến)
Mỉa mai “tiến sĩ giấy”, có danh mà không có thực, là một cách khẳng định vẻ thực chất vốn xa lạ với mọi sự khoa trương, trống rỗng ở đời. Sâu xa hơn trong nội dung tác phẩm nghệ thuật là vẻ đẹp tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ gửi gắm qua hình tượng. Nghệ thuật không chỉ giải thích thế giới, nghệ thuật còn nâng cao tầm nhìn, mài sắc cái nhìn của con người vào thế giới. Tấm lòng và suy nghĩ của người nghệ sĩ mới đáng nói và đáng chia sẻ hơn tất cả. Đó cũng là đặc điểm dễ thấy của cái đẹp nghệ thuật so với cái đẹp ngoài đời sống. Tiếp xúc với cái đẹp trong nghệ thuật con người không thể dửng dưng, ấy là bởi vẻ đẹp trong nghệ thuật thấm đậm cảm xúc và tư tưởng của nhà sáng tạo. Cái đẹp trong nghệ thuật đặc biệt được bộc lộ qua chất liệu và qua cách thức thể hiện nội dung. Trong nghệ thuật, nói cái gì cố nhiên là quan trọng. Nói như thế, bằng cách nào quan trọng cũng không kém. Hoàn toàn không giống với các sản phẩm vật chất và tinh thần khác, tác phẩm nghệ thuật phải ngời tỏa vẻ đẹp hình thức. Hiệu quả nghệ thuật tùy thuộc vào lao động nghệ thuật say mê và cực nhọc. Tính hoàn thiện hoàn mỹ bao giờ cũng là mục tiêu phấn đấu của người nghệ sĩ. Nhờ thế mà tác phẩm nghệ thuật chân chính mới sống mãi cùng thời gian.
                          Cha mẹ sinh ra nàng
                           Gọi nàng là người con gái
                           Nghệ thuật sinh ra nàng
                           Gọi nàng là Thần vệ nữ
                            Nàng sinh ra lần thứ nhất – để chết
                           Nàng sinh ra lần thứ hai – để sống mãi
                                                                                (Lò Ngân Sủn)
Vậy là, không thể nói đến cái đẹp mà quên nói đến nghệ thuật. Tuy nhiên, cái đẹp và nghệ thuật không phải là một. Cái đẹp không phải chỉ có trong nghệ thuật và nghệ thuật không phải chỉ có nhiệm vụ sáng tạo ra cái đẹp. Đồng nhất giữa cái đẹp và nghệ thuật sẽ sai lầm không kém việc hoàn toàn tách biệt chúng, không thấy mối liên hệ giữa chúng.
III.3. Cái cao cả, cái bi, cái hài
III.3.1. Cái cao cả
Hiện trong tiếng Việt có nhiều tên gọi khác nhau cho cùng một thuật ngữ “sublime”. Mỗi cách gọi có mặt “ưu”, mặt “liệt” riêng. Giáo trình này gọi là “cái cao cả”.
Cũng như cái đẹp, cái cao cả là một phạm trù thể hiện đối tượng thẩm mỹ khá rộng rãi. Cái cao cả có trong các hiện tượng và quá trình của tự nhiên, xã hội, con người và nghệ thuật. Gần gũi với cái đẹp, cái cao cả có những phẩm chất và thuộc tính gợi nên những cảm xúc tích cực và lành mạnh. Đó là cơ sở khiến Hegel gọi cái cao cả là cái đẹp ở mức tuyệt đỉnh. Song muốn nhận biết ra bản chất của cái cao cả không thể không chỉ ra sự khác biệt của nó với cái đẹp. Cái cao cả không giống cái đẹp ở cả hai phương diện đối tượng và chủ thể. Về mặt đối tượng thẩm mỹ, cái cao cả thường là những sự vật, hiện tượng, quá trình khách quan có tính khác thường. Có khi chúng mang tầm vóc to lớn như biển động dữ dội trong giông bão, chiến công lẫy lừng giành và giữ nền độc lập của nước nhà… Nhiều khi chúng có tính hào hùng, kỳ vĩ như câu nói của Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, hay lời tự bào chữa của Phidel Castro “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi”… Lại có khi chúng ẩn chứa vẻ siêu việt, tao nhã như tình yêu giữa Marx và Gieny, sự thanh cao của ngôi Chùa một cột… Về phía chủ thể thẩm mỹ, cái cao cả thường gợi lên những cảm xúc choáng ngợp, ngưỡng vọng, sùng bái, đôi khi có phần chới với, bối rối và lo sợ. Sắc thái của cảm xúc tùy thuộc vào tính chất của cái cao cả. Chẳng hạn, trước con người và cuộc đời cao đẹp và trong sáng của Hồ Chí Minh, nhà thơ Tố Hữu từ sâu thẳm lòng mình đã thốt lên :
Bác sống như trời đất của ta
Rồi:
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Phải dùng phép so sánh và lời nói như vậy mới diễn tả được phần nào vóc dáng và phẩm chất của một nhân vật lịch sử đã đi vào huyền thoại, đã hoàn toàn chinh phục được trái tim và khối óc của bất kỳ ai có lương tri trên trái đất này.
Rõ ràng, không nên đối lập cái cao cả và cái đẹp. Cũng không nên đồng nhất chúng với nhau. Xóa nhòa ranh giới giữa cái cao cả và cái đẹp sẽ có nguy cơ làm mất đi vẻ lạ lùng, siêu phàm của không ít hiện tượng và quá trình của thực tế vốn là cơ sở của đầu óc lãng mạn, của khát vọng cao đẹp nơi con người. Trái lại, việc đào sâu hố ngăn cách giữa chúng lại dễ tạo ra thái độ ghê sợ, thậm chí khuất phục trước những cái phi thường, kỳ vĩ trong đời sống và nghệ thuật. Sẽ hoàn toàn không thuyết phục nếu hạn chế lòng đam mê hướng thượng, thủ tiêu đầu óc táo bạo trong sáng tạo và ước mơ, hoặc đẩy con người vào thế bị động, thu mình trước quyền uy của các lực lượng tự nhiên siêu phàm và các thế lực lớn lao của xã hội. Điều này nói lên ý nghĩa to lớn của cái cao cả trong đời sống thẩm mỹ và rộng ra trong đời sống tinh thần của con người và xã hội.
Dựa vào tính chất của đối tượng thẩm mỹ và sắc thái của cảm xúc thẩm mỹ có thể thấy cái cao cả tồn tại trong một số hình thái cơ bản sau:
-          Cái cao cả thanh cao
Đối tượng thẩm mỹ ở đây thường không nhất thiết phải to lớn, hùng vĩ, nhưng bên trong lại hàm chứa một vẻ đẹp hoàn toàn tinh khiết và trong sáng. Ví như: căn nhà sàn dùng làm nơi ở và làm việc của Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ta không thể không bùi ngùi cảm động khi dừng chân lại nơi đây. Mọi thứ trong ngôi nhà nhỏ nhắn linh thiêng này đều phảng phất lối sống Đông phương hòa quyện với thiên nhiên, đều gợi nhớ đến cuộc đời bình dị hết lòng vì hạnh phúc của người khác.
-   Cái cao cả huy hoàng
Đối tượng thẩm mỹ trong trường hợp này thường đồ sộ mang vẻ đẹp kỳ vĩ, tác động mạnh tới tư tưởng và tình cảm của con người. Chẳng hạn: bình minh của một ngày đẹp trời trên bãi biển Nha Trang. Trời cao rộng. Biển mênh mông. Một màu xanh bích ngọc trải ra phía trước. Rồi mặt trời từ từ hiện ra ở đằng đông, tỏa muôn ánh sáng rỡ ràng, chiếu rọi muôn vật. Chứng kiến cảnh tượng chói lọi, bao la của biển trời như vậy con người không thể không dâng trào một niềm cảm xúc lớn lao.
 -   Cái cao cả rợn ngợp
Đối tượng thẩm mỹ ở đây thường là những cảnh tượng, những biến động ghê gớm của tự nhiên: cánh rừng già trầm lặng, mặt trời chói sáng, biển động dữ dội… Trước cái cao cả rợn ngợp, con người thường nảy sinh ra cảm giác choáng ngợp và lúng lúng. Cố nhiên, không có sự mất mát hoặc chết chóc. Nếu không, cái cao cả sẽ vượt ra khỏi ranh giới đời sống thẩm mỹ.
-          Cái cao cả thán phục
Đối tượng thẩm mỹ trong trường hợp này là những hành động anh hùng, những phẩm chất cao đẹp của con người trong những hoàn cảnh thật đặc biệt. Cái cao cả ở đây thường gợi nên cảm xúc khâm phục, sùng bái nơi chủ thể thẩm mỹ. Ví dụ: hình ảnh anh Trỗi nơi pháp trường. Đó là “cái chết hóa thành bất tử”  “những lời hơn mọi bài ca” của “con người như chân lý sinh ra”(thơ Tố Hữu).
Cần nhấn mạnh là sự phân chia cái cao cả như trên chỉ là tương đối. Trong thực tế, các hình thái khác nhau của cái cao cả gắn bó thậm chí hòa trộn vào nhau đến mức khó tách rời.
III.3.2. Cái bi
Trong kịch bản văn chương có một thể tài xây dựng trên thuộc tính của cái bi – đó là bi kịch. Song bản chất của cái bi với tư cách là một phạm trù thẩm mỹ bao quát hơn nhiều.
Mặc dù có một vài phẩm chất gần gũi với cái đẹp, cái bi hoàn toàn khác biệt với cái đẹp. Nếu cái đẹp tồn tại ở mọi lãnh vực thì cái bi chỉ có trong xã hội, chủ yếu trong nghệ thuật. Riêng đối với nghệ thuật, có thể tìm thấy cái đẹp ở cả nội dung lẫn hình thức của tác phẩm thì cái bi chỉ có ở mặt nội dung. Cái đẹp gắn liền với cảm xúc êm dịu, thỏa mãn, vui tươi. Trong khi cái bi đi liền với mất mát, hy sinh gợi cảm xúc đau buồn, thương tiếc nơi con người.
Tuy nhiên, không phải sự đau thương, mất mát nào cũng mang tính bi. Cái chết của một kẻ đê tiện, sự thất bại của một phong trào phản quốc, việc tình yêu vị kỷ bị tan vỡ… không làm cho chúng ta rơi lệ trong sự cảm phục và xót thương. Chỉ có những tài năng lớn bị vùi dập, nhân cách cao thượng bị xúc phạm, khát vọng đẹp đẽ bị đổ vỡ… mới gợi nên những cảm xúc gắn liền với bản chất của cái bi. Trong những hoàn cảnh nảy sinh ra cái bi con người phải huy động mọi sức mạnh tinh thần và vật chất tiềm ẩn trong mình, vượt qua mọi khó khăn và trở ngại trên đường dẫn đến mục đích cao cả vì sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, cái đúng trước cái sai… Song do những điều kiện chủ quan, nhất là những điều kiện khách quan, các nhân vật hiện thân của cái bị chưa thể thành đạt và chiến thắng. Sự hủy diệt, thất bại ở những trường hợp này tạo ra nỗi cảm thông, khâm phục sâu sắc. Rõ ràng từ bản chất cái bi gắn bó với cái đẹp, cái cao cả và cái anh hùng.
Nói khác đi, cái bi chính là cái đẹp, cái cao cả, cái anh hùng trong mối xung đột với những thế lực đối kháng. Không có xung đột giữa tự do và tất yếu sẽ không có cái bi. Mối xung đột càng quyết liệt thì tính bi càng tăng và nỗi cảm thông càng lớn. Có cái bi cá nhân, đồng thời có cái bi lịch sử, cái bi cá nhân gắn với những xung đột dẫn tới sự mất mát khổ đau của một người. Cái chết Nguyễn Trãi trong lịch sử là một bi kịch cá nhân:
                                          Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu
Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng
                                                                                  (Tố Hữu)
Cái bi lịch sử gắn với những xung đột dẫn tới sự thất bại của cả một phong trào, một lực lượng. Cuộc vận động cách mạng do các chí sĩ yêu nước lãnh đạo hồi đầu thế kỷ là một ví dụ.
Ông cha ta từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời
                                   Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa
                                                                                 (Chế Lan Viên)
Có điều loại bi nào, dầu là cá nhân hay lịch sử, cũng đều cần thấm nhuần tinh thần xã hội rộng rãi. Xưa nay không ít người đi tìm nguồn gốc của những xung đột gây ra cái bi. Có người tin vào định mệnh, số phận. Ấy là khi con người chưa đủ khả năng lý giải cái bi từ những mối xung đột có thật ngoài đời. Họ khó tránh khỏi quan điểm duy tâm. Các nhà duy vật thì khác hẳn. Họ nhận thấy nguyên do của cái bi từ mối quan hệ đối kháng trong xã hội và từ những sức mạnh hủy diệt chưa khống chế nỗi ngoài tự nhiên. Chính đây là cơ sở sinh ra “bi kịch lạc quan” trong cuộc sống cách mạng và nghệ thuật cách mạng một thời. Cuộc đấu tranh vì những mục tiêu cao cả và lớn lao không thể không căng thẳng và quyết liệt. Sự hy sinh, mất mát là khó tránh khỏi. Trong nhiều tình huống bi kịch, con người bình thản đón nhận cái chết, trong lòng hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi tất yếu mai sau. Họ hiểu rõ giá trị của sự đổ máu, hy sinh. Họ không mảy may buồn đau, run sợ. Ý nghĩa của “bi kịch lạc quan” thật vô cùng to lớn.
Không riêng “bi kịch lạc quan”, cái bi nói chung bao giờ cũng có tác dụng khơi dậy những tình cảm lành mạnh, kích thích những hành động mãnh liệt nhằm tích cực cải tạo hoàn cảnh, thúc đẩy cuộc sống đi về phía trước. Ý nghĩa giáo dục của cái bi đặc biệt rõ rệt trong nghệ thuật. Khả năng “thanh lọc hóa” (catharsis) tâm hồn người xem bi kịch đã được Arixtote nói tới từ lâu.
Ngoài ý nghĩa giáo dục, cái bi còn có ý nghĩa nhận thức sâu sắc. Cái bi giúp cho con người nhìn nhận cuộc sống với tất cả sự phong phú, phức tạp có thực của nó. Không nên né tránh mâu thuẫn. Sự phát triển là gì nếu không phải là việc giải quyết mâu thuẫn để tạo lập một thế cân bằng mới cao hơn. Với ý nghĩa ấy, trong xã hội phát triển của tương lai, cái bi vẫn còn có cơ sở xuất hiện. Khát vọng chinh phục thế giới ở con người là vô hạn. Nhưng, đáng tiếc thay, khả năng để làm việc đó ở con người vào một thời điểm nhất định lại chỉ có hạn mà thôi.
III.3. Cái hài
Cũng như cái bi, cái hài là một phạm trù thẩm mỹ chỉ có trong xã hội và trong nghệ thuật. Tuy vậy, phạm vi thể hiện của cái hài cũng khá rộng. Văn hào người Pháp Môlie coi tình cảm và năng khiếu hài hước là một trong những đặc điểm quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt giữa người và vật. Không phải ngẫu nhiên mà những người thông minh và từng trải lại ưa cời cợt, ngay cả khi họ rơi vào những tình cảnh chẳng đáng cười chút nào. Họ chế nhạo người, và có khi họ chế nhạo chính mình dưới hình thức tự trào. Đặc biệt, không có loại hình nghệ thuật nào lại không có thể loại hài. Trong thơ thì có thơ trào phúng, đả kích; trong truyện có truyện cười, truyện tiếu lâm; trong hội họa có tranh vui, tranh biếm họa, tranh đả kích; còn trong sân khấu thì có hài kịch, kịch vui… Cái hài góp phần làm tăng thêm vẻ sinh động và hấp dẫn của nghệ thuật đối với con người.
Khác với cái bi, cái hài thuộc phạm trù thẩm mỹ tiêu cực. Đối tượng của cái hài thường là những hiện tượng lố lăng, kệch cỡm, những sự trống rỗng, hình thức, những kẻ xuẩn ngốc, hợm hĩnh… Đó là những cái xấu nhưng không tự biết và tự nhận là xấu, lắm khi lại đội lốt cái đẹp, cái hùng. Thái độ trước cái hài là sự chế nhạo, khinh khi. Chủ thể cảm thụ thẩm mỹ bật cười để chứng tỏ mình luôn tỉnh táo làm chủ được tình huống và có thể tách mình ra khỏi cái đáng cười. Nhờ thế mà con người trở nên khôn ngoan và có sức mạnh hơn.
Cái hài vậy là bao giờ cũng gắn với cái cười: có khi là tiếng cười phá lên sảng khoái, hả hê và thích thú, nhiều khi đó lại là tiếng cười nụ, cười mỉm – thâm trầm, chua cay và sâu sắc.
Muốn gây cười cần phải có đối tượng cười và chủ thể cười. Để trở thành đối tượng cười, mọi hiện tượng khách quan phải có mâu thuẫn theo nghĩa là không cân xứng, không hài hòa. Mâu thuẫn ở nhiều dạng: mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài, giữa các yếu tố bên trong với nhau. Mâu thuẫn tồn tại khách quan, và khi chủ thể cười nhận ra mâu thuẫn thì cái cười xuất hiện.
Có điều, không phải cái cười nào cũng mang tính hài. Khi được thỏa mãn một điều gì, người ta có thể cười. Đó cái cười sinh lý, bản năng. Cái hài là cái cười đi liền với nhận thức, thấm nhuần trí tuệ. Do vậy ở những mức độ khác nhau, cái hài bao giờ cũng có ý nghĩa xã hội rộng rãi. Đối với kẻ thù của giai cấp, của dân tộc và của tiến bộ, cái hài trở thành vũ khí sắc bén. Đối với thói hư tật xấu trong nội bộ mình, cái hài lại là công cụ giáo dục hữu ích, không thể thiếu. Trong thực tế, không phải ai cũng thấy được sức mạnh của cái hài. Nhiều người sống quá nghiêm túc. Họ tự bỏ rơi một trong những phương tiện để sống vui vẻ, lương thiện và thông minh hơn. Cũng có người ưa những nụ cười rẻ tiền, dễ dãi. Việc gia tăng chất trí tuệ và khuynh hướng xã hội trong tiếng cười cần trở thành ý thức thường trực của mỗi người nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ, nếu chúng ta thực tâm mong mỏi cái hài ngày một sắc bén, giàu ý nghĩa.
Căn cứ vào tính chất của mâu thuẫn gây cười có thể chia thành nhiều kiểu dạng hài khác nhau. Có hai loại chính:
- Cái hài đối kháng: Xuất hiện ở những thế lực thù địch với lợi ích giai cấp, dân tộc hoặc đi ngược lại với xu hướng hòa bình và tiến bộ xã hội.
- Cái hài không đối kháng: Nảy sinh trong nội bộ cộng đồng với tất cả những biểu hiện đa dạng và tinh tế của nó.
Nếu cái cười ở trường hợp đầu mang khuynh hướng chối bỏ thù nghịch, thì cái cười ở trường hợp sau lại có xu hướng nâng đỡ và nhiều lúc nước mắt trào rơi ngay khi nụ cười vừa tắt. Cái hài gắn với cái bi trong tiếng cười ra nước mắt.
Tương ứng với cái hài đối kháng và không đối kháng ngoài đời sống là hai hình thức đả kích và châm biếm của cái hài trong nghệ thuật. Nhìn chung đả kích thường dùng cho kẻ thù, còn châm biếm thì dành cho nội bộ mình. Tuy nhiên, sắc điệu hài phong phú hơn nhiều. Có người còn nói tới cái hài hước, cái dí dỏm nghĩa là những tiếng cười nhẹ nhàng, thoải mái hơn sự châm biếm. Nghệ thuật do đòi hỏi của cuộc sống và của công chúng mà luôn có chỗ đứng cho mọi sắc thái hài khác nhau. Không nên xem thường hoặc bỏ qua cái hài hước, cái dí dỏm. Nhưng cũng nên coi trọng sử dụng những tiếng cười mạnh mẽ, đích đáng.
Thông qua tiếng cười
Bạn hãy nhìn và học
                                                        Căm ghét kẻ thù
                                                        Tới tận đáy sâu
                                                                                    (Maiacôpxki)
Trọng trách đè lên vai các nghệ sĩ. Vinh quang lớn cũng đi liền với chức phận nặng nề.
 ________________________________________________
Phần III
 NGHỆ THUẬT TỪ GÓC NHÌN THẨM MỸ
Chương I:
ĐẶC TRƯNG CỦA NGHỆ THUẬT
                I.1. Nghệ thuật là gì?
                Mỹ học xưa nay luôn coi trọng việc nghiên cứu nghệ thuật – hình thái cao nhất, tập trung nhất của mối quan hệ thẩm mỹ của con người với thực tại. Trong thực tế, khái niệm “nghệ thuật” thường được sử dụng theo nghĩa rộng hẹp khác nhau. Theo nghĩa rộng nhất, nghệ thuật đồng nghĩa với tài nghệ. Không xa lạ với hoạt động nghệ thuật khi một vận động viên đạt tới một mức độ cao, điêu luyện trong bộ môn của mình. Người chứng kiến thường đưa ra những nhận xét tương tự như những đánh giá nghệ thuật đích thực. Hẹp hơn và phổ biến hơn là người ta đưa ra khái niệm “nghệ thuật” để chỉ mọi hoạt động, mọi sản phẩm được sáng tạo theo qui luật của cái đẹp. Một quan niệm như vậy về nghệ thuật vốn có truyền thống từ rất xa xưa ở phương Đông cũng như ở phương Tây. Trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc phương Tây, nghề thủ công và nhiều hình thức hoạt động khác nhau của con người đều được gọi chung là nghệ thuật. Chẳng hạn, người Hy Lạp cổ đại chỉ dùng một từ duy nhất để chỉ nghệ thuật và nghề thủ công làtechne. Những nghệ sỹ đầu tiên là những thợ gốm, tạc đá, làm mộc cùng những người lao động tạo ra những vật dụng hữu ích khác. Rất lâu về sau và cho tới ngày nay người ta vẫn duy trì một quan niệm khá rộng như thế về nghệ thuật. Nhà mỹ học người Mỹ T. Macro cho rằng các loại hình nghệ thuật không chỉ gồm văn chương, hội họa, âm nhạc… mà còn gồm trang điểm, nấu ăn… Ông liệt kê ra có tới gần 400 loại hình nghệ thuật khác nhau.
                “Nghệ thuật” theo nghĩa hẹp nhất, chặt chẽ nhất là chỉ hoạt động và thành phẩm sáng tạo của người nghệ sỹ. Ở đây lao động nghệ thuật mang tính đặc thù nhằm tạo ra tác phẩm nghệ thuật độc nhất vô nhị. Mọi định nghĩa về nghệ thuật trước nay hầu như đều xoay quanh ý nghĩa này của nghệ thuật. Tuy nhiên, thật khó thống nhất được quan niệm “thế nào là nghệ thuật?”. Văn hào L.Tôlxtôi trong Nghệ thuật là gì? có đưa ra gần 70 định nghĩa, song không một định nghĩa nào khiến ông hài lòng. Có hai khuynh hướng chính trong việc đi tìm bản thể của nghệ thuật theo nghĩa hẹp nhất này:
- Xác định bản chất của nghệ thuật trong mối liên hệ với thực tại. Theo xu hướng này, người ta coi nghệ thuật là sự thống nhất sinh động của nhận thức hình tượng về hiện thực và sự tái hiện cảm tính hiện thực trong một chất liệu nhất định nhờ lao động sáng tạo của người nghệ sỹ.
- Tìm bản chất của nghệ thuật trong mối liên hệ với con người, và người ta đưa ra quan niệm sau: nghệ thuật là phương tiện bộc lộ tư tưởng, tình cảm của con người.
Có thể chấp nhận đồng thời cả hai quan niệm đó. Bởi vì, nghệ thuật là một lĩnh vực vô cùng phong phú và phức tạp. Nhiều cách tiếp cận sẽ bổ sung cho nhau, góp phần xác lập một quan niệm đầy đủ và thấu đáo về một trong những hiện tượng tinh thần kỳ diệu vào bậc nhất của con người và xã hội là nghệ thuật.
Nghiên cứu kỹ sẽ thấy mối quan hệ sâu xa của hai quan niệm vừa nêu. Trung tâm của hiện thực là đời sống của con người. Hơn thế, con người là con người xã hội. Nghệ thuật vì xã hội cũng chính là nghệ thuật vì con người. Có điều, quan niệm đầu có phần “hướng ngoại” còn quan niệm sau thì “hướng nội” nhiều hơn. Khi “hướng ngoại”, nội dung phản ánh được đề cao, trong khi “hướng nội” thì lại coi trọng nội dung tư tưởng. Do thế, việc kết hợp hai cách xem xét bản chất của nghệ thuật là hoàn toàn cần thiết.
Cần phân biệt khái niệm nghệ thuật theo nghĩa nghiêm ngặt này với khái niệm thẩm mỹ. Nhiều người đồng nhất chúng, thậm chí có người coi đời sống nghệ thuật chỉ là một bộ phận của đời sống thẩm mỹ. Có thể thấy sự khác biệt của thẩm mỹ và nghệ thuật qua một số biểu hiện chủ yếu sau đây:
- Nhìn chung, khái niệm thẩm mỹ rộng hơn khái niệm nghệ thuật. Cái thẩm mỹ có thể tồn tại trong thiên nhiên, xã hội, con người và trong cả nghệ thuật.
- Nghệ thuật là lĩnh vực hoạt động độc lập của người nghệ sỹ. Cái thẩm mỹ thì khác, bao giờ cũng chỉ là một yếu tố trong các hoạt động, các sản phẩm, các hiện tượng khách quan.
- Về phương diện nội dung, nghệ thuật phong phú hơn thẩm mỹ. Ngoài nội dung thẩm mỹ, nghệ thuật còn bao gồm những nội dung khác như nội dung chính trị, khoa học, đạo đức, tôn giáo…
- Những hiện tượng thẩm mỹ có thể hình thức không đẹp. Đối với tác phẩm nghệ thuật, bất kể nội dung ra sao, hình thức bao giờ cũng phải đẹp. Tsecnưsepxki từng nhận xét chính xác rằng: vẽ một khuôn mặt đẹp hoàn toàn khác với vẽ một cách đẹp.
Như vậy, mặc dù có nhiều điểm giống nhau, thẩm mỹ và nghệ thuật là hai khái niệm riêng biệt, độc lập.
I.2. Đối tượng nghệ thuật
Nên tránh lầm lẫn đối tượng nghệ thuật với nội dung nghệ thuật. Cái mà nghệ thuật quan tâm thể hiện, đó là đối tượng. Cái được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật cụ thể qua hoạt động sáng tạo của người nghệ sỹ, đó là nội dung. Đối tượng còn là vật – tự – nó. Nội dung đã thành vật – cho – ta. Một lần họa sĩ phong cảnh Lutvich Richte (1803 - 1884) kể lại rằng, ông và các bạn ông quyết định cùng vẽ một phong cảnh với một điều kiện không được khác với thiên nhiên dầu chỉ là chút ít. Kết quả là ta có 4 bức tranh khác hẳn nhau, đến nỗi có thể phân biệt được từng cá tính của từng họa sĩ. Hướng tới cùng một đối tượng nhưng nội dung lại hoàn toàn khác biệt. Ấy là bởi nội dung là đối tượng được chuyển hóa vào hình tượng nghệ thuật qua sáng tạo của người nghệ sĩ.
Mỹ học duy vật và duy tâm đối lập nhau trong việc xem xét đối tượng của nghệ thuật. Mỹ học duy tâm khách quan yêu cầu nghệ thuật hướng tới cái đẹp biểu hiện “ý niệm tuyệt đối” (Platon) hay “tinh thần vĩnh viễn” (Hegel), nghĩa là những yếu tố ở bên ngoài đời sống, ở bên trên con người như thần linh, thượng đế. Mỹ học duy tâm chủ quan coi tinh thần chủ quan của nghệ sĩ là nơi khởi nguồn của nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật theo họ là sự biểu hiện sự rực cháy của tinh thần chủ quan, là một hoạt động cá nhân, tự do và không vụ lợi (Kant). Hoàn toàn trái ngược với quan điểm mỹ học duy tâm, chủ quan cũng như khách quan, đối tượng nghệ thuật theo quan điểm mỹ học duy vật không chút siêu phàm, thần bí. Đó là toàn bộ thực tại khách quan , tồn tại bên ngoài và độc lập với ý muốn chủ quan của con người. Ở đây không có sự cắt xén đơn giản nào cả. Có thể nói, đối tượng nghệ thuật phong phu, đa dạng như chính cuộc đời, không đâu là rừng cấm của nghệ thuật cả. Không thể liệt kê chất liệu thẩm mỹ dành cho sáng tạo nghệ thuật. Và theo ý nghĩa triết học chung, không có sự phân biệt giữa đối tượng của khoa học và đối tượng của nghệ thuật. Biêlinxki khẳng định: “Tất cả thế giới… tất cả những hình thức tự nhiên và đời sống đều có thể là những hiện tượng của thi ca”.
Khi nói toàn bộ thế giới tự nhiên, xã hội và con người đều có thể được nghệ thuật quan tâm thể hiện không có nghĩa đối tượng nghệ thuật không có sắc thái riêng để có thể phân biệt nghệ thuật, chẳng hạn, với khoa học. Vậy nét riêng ở đây là gì? Đó chính là mặt thẩm mỹ của đối tượng nghệ thuật. Mặt thẩm mỹ mà đối tượng nghệ thuật coi trọng ít nhất được bộc lộ ở hai khía cạnh cơ bản sau:
- Một là: vẻ độc đáo thẩm mỹ. Nghệ thuật luôn chú ý tới cái cụ thể, sinh động muôn hình vạn trạng của sự vật, hiện tượng, con người ngoài đời sống. Cái cá biệt, đơn lẻ luôn có chỗ đứng và luôn được yêu cầu có chỗ đứng trong tác phẩm nghệ thuật. Cái chung, cái khái quát phải tìm được sự biểu hiện thông qua cái riêng, cái cụ thể. Chẳng hạn: miêu tả đôi mắt. Không thể có đôi mắt trừu tượng trong nghệ thuật. Phải là đôi mắt này, đôi mắt kia, không giống nhau và không được phép giống nhau. Càng đặc sắc, phẩm chất thẩm mỹ càng cao.
- Hai là: tính người của đối tượng nghệ thuật. Nói một cách đơn giản, bất kỳ hiện tượng nào từ đời sống muốn đi vào tác phẩm nghệ thuật phải được đặt trong tương quan tư tưởng - thẩm mỹ với con người. Nghệ thuật là tiếng nói đặc biệt của con người về cuộc sống, vì cuộc sống. Mọi cái xa lạ với con người, với đời sống vật chất và tinh thần của con người đều khó tìm thấy chỗ đứng trong tác phẩm nghệ thuật. Ngày trước có nhà phê bình ở ta đưa ra hai ví dụ để phân biệt thơ với những gì không phải là thơ. Một câu văn vần:
                                               Con mèo, con chó có lông
Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai
Và câu kia là ca dao:
                                           Gió đưa cây cải về trời
                                                    Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
Nhà phê bình nhận định rất đúng rằng câu sau là thơ, là nghệ thuật, còn câu đầu dẫu có vần có điệu nhưng không có gì dính dáng với thi ca, nghệ thuật cả. Đó là bởi câu ca dao muốn nhắn gửi một tâm tình sâu nặng đến người đọc. Chính vì tính người là một trong những biểu hiện nổi bật của mặt thẩm mỹ, nên nghệ thuật luôn coi con người là đối tượng trung tâm, đối tượng hàng đầu của mình. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn sáng tạo nghệ thuật của dân tộc và nhân loại từ trước đến nay. Điều này cũng rất phù hợp với bản chất của nghệ thuật vốn luôn được xem là phương tiện chủ yếu để biểu lộ tư tưởng và tình cảm của con người trước tự nhiên và xã hội.
             Chú trọng con người, nghệ thuật không vì thế mà tự hạn chế trong việc thể hiện tính muôn vẻ của thế giới. Đời sống loài vật, cảnh trí tự nhiên luôn hấp dẫn người nghệ sĩ. Và những cái đó đi vào tác phẩm nghệ thuật không phải lúc nào cũng như chứng tích của đời sống con người. Đôi khi chúng có ý nghĩa độc lập, khiến công chúng không thể không lưu tâm khi tiếp nhận những giá trị nghệ thuật.
            Con người là đối tượng được nghệ thuật đặc biệt coi trọng trở thành nguyên lý phổ biến, không chỉ đúng với nghệ thuật trong quá khứ mà còn mãi mãi đúng với nghệ thuật trong tương lai khi khoa học, kỹ thuật tiên tiến tạo ra những máy móc tinh vi dần dần thay thế cho con người. Việc hoài nghi vai trò chủ nhân của con người trong đời sống và trong nghệ thuật là đi ngược lại bản chất đích thực của nghệ thuật.
            Con người với tư cách là đối tượng trung tâm, hàng đầu của nghệ thuật phải là con người đa diện. Cùng với con người hiện thực, con người hành động, con người xã hội, con người cộng đồng và con người khác thường, người nghệ sĩ cần coi trọng thêm tới con người siêu việt, con người tâm linh, con người tự nhiên, con người cá thể và con người đời thường - những phương diện mà trước đây vì những nguyên do khác nhau có lúc có nơi đã ít nhiều bị xem thường. Nói gì đi chăng nữa, cái nhìn phiến diện bản chất con người bao giờ cũng thiếu thực tế và không biện chứng.
I.3. Nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật
Khái niệm “nghệ thuật” được đồng thời xác định trên hai phương diện:  hoạt động nghệ thuật và sản phẩm nghệ thuật.Phương diện đầu nghiêng về quá trình, phương diện sau nghiêng về thành phẩm. Tác phẩm nghệ thuật – sản phẩm sáng tạo tinh thần của người nghệ sĩ là đơn vị cơ bản của tri thức nghệ thuật, là đối tượng nghiên cứu trọng tâm của mỹ học. Hai yếu tố cơ bản cấu thành tác phẩm là nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật.
Hiện giờ vẫn tồn tại những ý kiến trái ngược nhau trong việc đánh giá vai trò của nhận thức hiện thực đối với chức năng nghệ thuật. Có người cho rằng phản ánh sáng tạo hiện thực, nâng cao nhận thức của con người về hiện thực phong phú, sinh động là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của nghệ thuật. Một số người khác lại xem việc phản ảnh hiện thực chỉ là thuộc tính chứ không phải là nhiệm vụ, càng  không phải là nhiệm vụ trọng yếu của nghệ thuật. Song dầu phản ánh hiện thực có là nhiệm vụ hay chỉ là thuộc tính của nghệ thuật thì nội dung hiện thực vẫn là một thực thể hiển nhiên, là bộ phận cơ bản của nội dung tác phẩm. Tuy nhiên, do nghệ thuật là con đẻ của người nghệ sĩ, hình tượng nghệ thuật là sự thống nhất hữu cơ giữa mặt khách quan và mặt chủ quan, nên nội dung tình cảm, tư tưởng cũng là bộ phận cơ bản khác có phần quan yếu hơn trong cơ cấu nội dung tác phẩm. Đó là thái độ, cái nhìn, quan niệm, sức soi sáng, sự đề xuất của người nghệ sĩ trước thực tế cuộc sống. Hai bộ phận cơ bản của nội dung tác phẩm bao giờ cũng gắn bó với nhau, hòa quyện vào nhau. Có thể xem chúng như là bình diện bề mặt và bình diện bề sâu của nội dung nghệ thuật. Tiêu chuẩn đánh giá nội dung tác phẩm là tính chân thật. Với nội dung hiện thực là tính chân thật của việc phản ảnh. Còn với nội dung tư tưởng, tính cảm thì là tính chân thật lịch sự – cụ thể của thái độ và quan niệm của nghệ sĩ  bộc lộ trong tác phẩm.
Hình thức nghệ thuật là phương thức chuyển tải nội dung nghệ thuật. Dễ thấy hơn cả là cách sử dụng chất liệu nghệ thuật như ngôn từ trong văn chương; âm thanh trong âm nhạc; sắc màu, đường nét trong nghệ thuật tạo hình… Tạo nên vẻ đẹp thực thụ trong việc sử dụng chất liệu quả không dễ. Phải năng rèn luyện và học hỏi để đạt tới trình độ nghề nghiệp cao và kỹ năng thể hiện điêu luyện. Hình thức nghệ thuật còn là cách tổ chức các yếu tố của tác phẩm để tạo nên một thể thống nhất hoàn chỉnh, chặt chẽ, không thừa không thiếu. Nói khác đi là khả năng kết cấu tác phẩm để có một chỉnh thể duy nhất. Thiếu cái nhìn toàn cục, tác phẩm sẽ mất đi vẻ hài hòa bên ngoài và bên trong, mọi ý đồ nghệ thuật sâu sắc đều không có vẻ đẹp tự nhiên trong sự thể hiện. Xét đoán giá trị hình thức nghệ thuật của tác phẩm là tính nghệ thuật của nó.
Như bất cứ sự vật và hiện tượng nào ngoài đời sống, nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật trong tác phẩm có sự thống nhất biện chứng, không tách rời nhau, nội dung bao giờ cũng là nội dung của hình thức nhất định, còn hình thức bao giờ cũng nhằm thể hiện một nội dung nào đó. Mối quan hệ máu thịt của chúng trong tác phẩm tựa như mối quan hệ giữa phần xác và phần hồn của một con người. Bởi vậy, như các thực thể hữu cơ, mỗi tác phẩm nghệ thuật có một sinh mệnh riêng, sự sống riêng. Việc loại bỏ hoặc tách bạch bất kỳ yếu tố lớn nhỏ nào trong sự sống đó đều ảnh hưởng đến sự tồn tại của chính tác phẩm nghệ thuật với tư cách là một giá trị thẩm mỹ độc đáo và độc lập.
Sự thống nhất biện chứng giữa nội dung nghệ thuật và hình thức nghệ thuật trong tác phẩn biểu hiện ở chỗ: nội dung mang tính quyết định, còn hình thức mang tính độc lập tương đối. Tính quyết định của nội dung khiến cho bất cứ sự thay đổi nào của nó đều sớm muộn đưa tới sự thay đổi  về mặt hình thức. Nguyễn Đình Thi nói: “Nội dung mới sẽ tự nó tìm đến hình thức mới”. Cho nên, cũng cần nhận rõ tính năng động, tính tương đối độc lập của các yếu tố hình thức. Điều này có thể thấy ở mọi sự vật, hiện tượng ngoài cuộc sống. Điều này càng đặc biệt thể hiện trong nghệ thuật. Bởi tác phẩm nghệ thuật không chỉ cần đúng, cần tốt mà còn cần hay. Hình tượng nghệ thuật không chỉ có tác dụng soi sáng, thức tỉnh mà còn cần lay động, truyền cảm. Không ở đâu mà vẻ đẹp của hình thức lại được đòi hỏi cao như trong nghệ thuật. Phạm Văn Đồng yêu cầu 100% nội dung và 100% hình thức là xuất phát từ đặc trưng này của nghệ thuật.
I.4. Hình tượng nghệ thuật
I.4.1. Tư duy hình tượng và tư duy luận lý
Người ta không thể đọc một công trình khoa học vài giờ liền mà không cảm thấy căng thẳng, lắm khi đến đau đầu. Trong khi người ta hoàn toàn có thể đọc một cuốn tiểu thuyết hay xem một bộ phim nhiều tập suốt ngày mà không cảm thấy nặng nề, thậm chí không sao rời khỏi trang sách, cuốn phim khi chúng chưa kết thúc. Vì sao vậy? Vì nghệ thuật nói với ta bằng cách thức đặc thù, qua hình tượng nghệ thuật. Hãy nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật trong những ngày chiến tranh ác liệt mường tượng ra viễn cảnh tương lai:
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chít sao giăng
“Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm”
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn ông sao năm cánh
Ta dẫn nhau tới ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình
Ta sẽ làm ngọn đèn kéo quân thật đẹp
Mang những hình người, những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay
Lòng lạc quan trên không được diễn tả bằng những lý lẽ khô khan mà bằng cách nói cụ thể, giàu hình ảnh. Nghệ thuật vì thế tác động đến công chúng một cách nhẹ nhàng, tự nhiên mà sâu lắng, bền lâu.
Hình tượng nghệ thuật được sáng tạo bởi một kiểu tư duy đặc biệt – tư duy hình tượng. “Dùng phương thức hình tượng hóa giàu cảm tính để làm cho sự thực bày rõ trước mắt” được Hegel coi là đặc trưng của nghệ thuật. Để làm nổi trội lao động và tư duy của người nghệ sĩ, người ta hay so sánh với lao động và tư duy của nhà khoa học. Biêlinxki từng phân biệt tư duy luận lý với tư duy hình tượng một cách rõ ràng và thấu đáo. Ông cho rằng: người này chứng minh và người kia phơi bày và cả hai đều thuyết phục, có điều người này bằng luận chứng lôgíc còn người kia lại bằng những bức tranh (PQT nhấn mạnh). Kết quả cuối cùng là nhà khoa học có được những khái niệm, còn người nghệ sĩ đưa ra những hình tượng. Cả hai đều sáng tạo, song tính chất của sự sáng tạo ở họ không hoàn toàn giống nhau. Nhà khoa học phát hiện ra những bản chất và qui luật vốn tiềm ẩn trong thực tại. Người nghệ sĩ phải tự mình làm ra những sản phẩm mới mẻ chưa từng xuất hiện. Giữa khái niệm khoa học  hình tượng nghệ thuật, vì vậy, có những điểm khác biệt cơ bản.
Nghệ thuật không đặt ra trước nghệ sĩ nhiệm vụ thể hiện toàn bộ đối tượng. Yêu cầu đó vừa không cần thiết vừa không thể thực hiện nổi. Nhưng hình tượng nghệ thuật lại có khả năng tạo ra ảo giác về tính toàn vẹn và đầy đủ của đối tượng thể hiện. Sức cuốn hút của nghệ thuật mạnh mẽ một phần vì nét riêng biệt này.
Khái niệm bao giờ cũng xác định về mặt ý nghĩa. Khoa học không cho phép khái niệm mang tính đa nghĩa. Hình tượng nghệ thuật lại không hàm một nghĩa duy nhất. Nó có thể gồm nhiều phương diện khác nhau. Công chúng tiếp nhận nó mỗi người một vẻ. Hình tượng nghệ thuật càng giá trị, càng lấp lánh ý nghĩa. Tuy nhiên, nghệ thuật chân chính vẫn mang khuynh hướng rõ rệt, không thể lập lờ hai mặt.
Sự thống nhất biện chứng giữa nội dung và hình thức cũng là điểm khác biệt chính của hình tượng nghệ thuật so với khái niệm khoa học. Hình tượng nghệ thuật là một chỉnh thể. Mọi sự thay đổi của nội dung hay của hình thức đều đưa đến một sản phẩm khác, không giống với sản phẩm đã có. Tri thức khoa học thì khác. Một công thức, một định luật có thể trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau, phức tạp có, đơn giản có, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp nhận thực chất của chúng.
Một sự khác biệt nữa là hình tượng nghệ thuật không bị “bãi bỏ” bởi những tiến bộ nghệ thuật, trong khi những khái niệm mới trong khoa học lại phủ nhận những khái niệm cũ đã tỏ ra lạc hậu. Sự kế thừa trong nghệ thuật có tính liên tục và triệt để. Cái đến sau có thể khác cái đến trước đó, nhưng tuyệt nhiên không có nghĩa cao hơn cái trước đó, lại càng không thể thay thế cái trước đó nếu chúng thật sự có giá trị. Mỗi hình tượng nghệ thuật thành công mang vẻ đẹp riêng, có sức sống ngay cả khi cơ sở sinh thành ra nó đã bị phá bỏ hoặc bị vượt qua.
Khác biệt cuối cùng rất quan trọng là hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng thấm nhuần sự xem xét, đánh giá của người sáng tạo. Không thể tồn tại thứ nghệ thuật khách quan chủ nghĩa. Mọi chi tiết làm nên máu thịt của hình tượng luôn biết “vâng dạ”(Goethe). Khái niệm thì không đòi hỏi nhà khoa học nhất thiết phải bộc lộ thái độ. Động cơ xã hội và tình cảm thôi thúc sự tìm tòi khám phá của nhà khoa học thường rất lớn và mạnh. Song nguyên lý khoa học luôn là kết quả của sự khái quát hóa, trừn tượng hóa lạnh lùng, vô cảm.
Sự phân biệt giữa hình tượng với khái niệm, giữa lao động nghệ thuật với lao động khoa học chỉ là tương đối. Lenin viết: “Trong mọi sự khái quát dù là đơn giản nhất, trong ý niệm dù là sơ đẳng nhất cũng đều có một mẩu tưởng tượng” (Bút ký triết học). Do vậy, không nên đối lập nghệ thuật với khoa học, hình tượng với khái niệm.
I.4.2. Đặc điểm của hình tượng nghệ thuật
Hình tượng nghệ thuật là gì? Đến nay nhiều người thường coi hình tượng nghệ thuật là những hình ảnh, những bức tranh về đời sống và con người, có ý nghĩa thẩm mỹ, do người nghệ sĩ sáng tạo nên. Quan niệm này mới chỉ bao quát các tác phẩm nghệ thuật nghiêng về tạo hình. Còn các hình tượng nghệ thuật nghiêng về biểu hiện như thơ trữ tình, âm nhạc thì sao? Điều khó khăn nhất là phải tìm ra những qui luật chung của hình tượng nghệ thuật sao cho phù hợp với cả hai loại tạo hình  biểu hiện. Sau đây là một số đặc điểm cơ bản bao trùm lên cả hai loại hình tượng nghệ thuật vừa nói.
Sự thống nhất sinh động giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan trong hình tượng.
Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm tinh thần của người nghệ sĩ. Nhưng người nghệ sĩ không tạo ra hình tượng bằng cách rút ruột mình như loài nhện. Nghệ sĩ như loài ong kia, bay đi muôn phương tìm nhụy hoa, về hòa với máu của mình để làm ra mật. Tác phẩm nghệ thuật đích thực như mật ong, không còn là nhụy của hoa, cũng không đơn thuần là máu của ong. Nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Hai mặt chủ quan và khách quan do vậy thống nhất hữu cơ trong hình tượng. Mặt chủ quan là ấn tượng, thái độ, quan niệm, lẽ sống của nguời nghệ sĩ. Mặt khách quan là tính chất, sắc thái, hiện trạng của các hiện tượng ngoài đời sống. Dễ thấy mặt khách quan trong hình tượng tạo hình. Mặt khách quan cũng có thể nhận ra trong loại hình tượng biểu hiện. Bởi vì, con người nghệ sĩ cũng là một bộ phận của thực tại. Tâm trạng của người nghệ sĩ đồng thời là một mảng của đời sống. Ấy là chưa nói không hề tồn tại tính biểu hiện thuần khiết.
Không nền sao dựng lầu thơ
Không thân thể cứ bâng quơ cái hồn
                                                                               (Xuân Diệu)
Cần tránh phủ nhận tính khách quan của hình tượng. Do quan niệm “Cuộc sống chẳng qua chỉ là toàn bộ nguyên lý sống của con người”, học giả Giôn Diuây đi đến kết luận nghệ thuật chỉ là sự “tổ chức của nghị lực” con người. Ông đã sa vào chủ nghĩa duy tâm chủ quan trong mỹ học. Cũng không được phủ nhận mặt chủ quan của hình tượng. Không thể có những trường hợp bức ảnh truyền thần hoặc pho tượng rập khuôn lại có thể đẹp hơn những bức tranh hội họa, những pho tượng điêu khắc. Quan điểm mỹ học duy vật tầm thường như thế xa lạ với chúng ta. Biêlinxki viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó mô tả cuộc sống chỉ để mô tả, mà không có sự thôi thúc chủ quan nào đó có nguồn gốc trong tư tưởng bao trùm thời đại”. Tính lý tưởng bao giờ cũng hòa quyện với tính hiện thực trong hình tượng nghệ thuật.
Anh nghe cái mặn của đời đang độ kết tinh
Nó chưa thành hình anh cho nó hình
Chưa thành hạt anh làm nên hạt
Rồi trả tận tay người cùng với máu anh
 (Chế Lan Viên)
Đó là đặc điểm chung của lao động nghệ thuật chân chính xưa nay.
Sự thống nhất sinh động giữa mặt khái quát và mặt cụ thể trong hình tượng.
Sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng có tính phổ biến đối với muôn loài. “Qui luật là hiện tượng có tính bản chất”(Hegel). Người xưa nói rất đúng: “Ngựa trắng không phải là ngựa”. Không có ngựa chung chung mà phải là ngựa trắng, ngựa ô, ngựa hồng, ngựa tía… nghĩa là những con ngựa cụ thể. “Hiện tượng phong phú hơn quy luật” (Hegel) là thế. Có điều, trong nhận thức khoa học, cái cụ thể bị tước bỏ đến mức tối thiểu, chỉ còn là những dẫn chứng, minh chứng. Bản chất và qui luật của tự nhiên, xã hội và tư duy được trừu tượng hóa thành những phạm trù, khái niệm có ý nghĩa độc lập, tách biệt khỏi những hiện tượng vốn là điểm xuất phát của quá trình nghiên cứu. Nghệ thuật thì khác. Cái chung, cái khái quát muốn được thể hiện phải qua cái riêng, cái cá biệt; mặt bản chất muốn được bộc lộ phải qua các hiện tượng cụ thể muôn màu muôn vẻ ngoài đời. Nói nghệ thuật biểu hiện đời sống bằng chính hình thái của bản thân đời sống là như vậy. Đối với loại hình tượng biểu hiện, cảm nghĩ riêng của nhân vật hoặc cái tôi trữ tình phải ít nhiều trở thành tiếng nói chung của tầng lớp mình đại diện và thời đại mình đang sống. Nghệ thuật chân chính mang tính xã hội, không thể là tiếng nói cá nhân đơn độc. Chính mặt khái quát của hình tượng tạo nên ý nghĩa rộng rãi, sức sống bền lâu của tác phẩm nghệ thuật. Trong khi, nhờ mặt cụ thể, hình tượng nghệ thuật mới có da thịt, nhân vật mới có thể “đi lại” “nói năng” như mọi thực thể sống ngoài đời.
Muốn xây dựng được các hình tượng nghệ thuật vừa giàu sự sống vừa giàu sức sống, người nghệ sĩ phải tuân thủ theo những yêu cầu của điển hình hóa. Điển hình hóa nghệ thuật là sự kết hợp giữa phương pháp khái quát hoá và phương pháp cá thể hóa, nhằm tạo ra cái riêng và cái chung của một hình tượng thành công. Vậy là, theo ý nghĩa rộng nhất, điển hình hóa là quy luật chung của mọi hoạt động sáng tạo nghệ thuật đích chực.
Sự thống nhất sinh động giữa lý trí và cảm xúc trong hình tượng nghệ thuật.
Tiếp nhận nghệ thuật, công chúng không thể dửng dưng. Người ta có thể khóc, cười hồn nhiên như con trẻ. Song rất khác với những giọt nước mắt vui sướng hay đau xót của trẻ thơ, cùng với sự rung động của con tim, trí óc của công chúng nghệ thuật còn được thức tỉnh. Đọc Truyện Kiều chẳng hạn. Nhận thức của người đọc về thân phận của nàng Kiều tăng thêm:
Nổi chìm kiếp sống lênh đênh
                                                                                (Tố Hữu)
Và khi nhận thức càng tăng thì cảm xúc càng sâu cùng với nhịp đập dồn dập của trái tim nhà thơ:
Tố như ơi lệ chảy quanh thân Kiều
  (Tố Hữu)
Người nghệ sĩ đã bằng lý trí tỉnh táo và tình cảm nồng cháy để tạo nên hình tượng nghệ thuật. Cảm hứng sáng tạo chân chính vì vậy được coi là sự “thăng hoa” của lý trí và cảm xúc. Thiếu tư tưởng, hình tượng sẽ trống rỗng và hời hợt. Thiếu cảm xúc, hình tượng sẽ khô cứng và cằn cỗi. Đúng hơn, trong sáng tạo nghệ thuật, nhận thức phải được chuyển hóa thành tình cảm, thành niềm tin. Bởi vậy, sức tác động của nghệ thuật mới mãnh liệt và bền lâu. Phạm Văn Đồng nói: “Công tác văn học nghệ thuật là một loại công tác tư tưởng có khả năng đi sâu vào ý nghĩ, tình cảm của con người và có giá trị lâu dài, bền bỉ”.
Tính ước lệ của hình tượng nghệ thuật
Trong khi nhấn mạnh tới mối quan hệ máu thịt giữa nhận thức và hiện thực, Lenin còn yêu cầu không được phép lẫn lộn giữa cái phản ánh  cái được phản ánh, giữa nghệ thuật và đời sống. Ấy là bởi nghệ thuật không sao chép mà biểu hiện tự nhiên. Chân lý nghệ thuật gắn bó với chân lý đời sống, nhưng không đồng nhất với chân lý đời sống. Phần sáng tạo của người nghệ sĩ là rõ rệt và hiển nhiên. Nghệ thuật không phải là sự thật đời sống. Giữa người sáng tạo và người tiếp nhận “thỏa thuận” ngầm với nhau về tính “không thật” và tính ước lệ của hình tuợng. Vậy nên, trong ca kịch, diễn viên chỉ hát mà không nói, và nếu như có nói thì cũng nói như hát; trong vũ đạo, diễn viên chỉ có múa, nghĩa là cử chỉ, động tác đều được cách điệu hóa không tự nhiên như trong đời thường; trong hội họa, người nghệ sĩ vẽ tranh trên giấy hoặc trên vải; còn trong điêu khắc thì người sáng tạo cho phép mình dùng gỗ, kim loại hoặc bằng thạch cao tạc nên tượng người cùng muôn vật… Điện ảnh tưởng không ước lệ vì đó là những cảnh thật, người thật kế tiếp nhau hiện ra trên màn ảnh, nhưng suy cho cùng vẫn rất ước lệ. Trật tự không gian và thời gian luôn bị rút ngắn và khuôn gọn lại theo ý đồ của đạo diễn. Rồi viễn cảnh, trung cảnh, cận cảnh… đâu có hoàn toàn như ngoài đời. Nhưng có lẽ không có loại nghệ thuật nào mang đậm tính ước lệ như thi ca. Nhà thơ được phép viết như sau về cảnh Đà Lạt:
                              Ở nơi này tất cả hóa thành thơ
                                                                (Hoài Anh)
Mọi sự vặn vẹo về ý nghĩa thực của câu thơ sẽ trở nên hết sức ngô nghê dưới cái nhìn của người am hiểu. Nghệ thuật xây dựng những nguyên tắc của chính mình. Muốn cảm hiểu đúng đắn tác phẩm, công chúng phải chấp nhận những nguyên tắc đó.
I.4.3. Điều kiện xây dựng hình tượng nghệ thuật
Sáng tạo được các hình tượng nghệ thuật thành công luôn là mong ước da diết của các nghệ sĩ xưa nay. Thế giới hình tượng đi liền với tên tuổi và khẳng định tài năng của người nghệ sĩ. Nhớ tới Lêvitan, Trần Văn Cẩn, Tônxtôi, Anh Đức… là nhớ tới mùa thu vàng ở nước Nga, thiếu nữ dịu dành bên bông huệ, Natasa – tâm hồn Nga, Chị Sứ và Hòn Đất…
Để tạo ra những hình tượng nghệ thuật dồi dào ý nghĩa và sức sống, người nghệ sĩ phải giàu khả năng hư cấu nghệ thuật và phải thật sự sống trong một tâm thế sáng tạo đặc biệt được gọi là cảm hứng nghệ thuật.
Công đầu trong việc khám phá ra vai trò của cảm hứng trong lao động nghệ thuật thuộc về Đêmôkrits, “bộ óc bách khoa cổ Hy Lạp đầu tiên” (K. Marx). Nhà mỹ học vĩ đại này viết: “Không ai trở thành nhà thơ giỏi nếu không có ngọn lửa nào đó, một thứ bệnh điên nào đó” (thời ấy, sáng tạo thi ca tiêu biểu cho nghệ thuật nói chung). Do vậy, ông dứt khoát loại bỏ những kẻ “chỉ biết suy nghĩ một cách phải chăng” ra khỏi vương quốc của nghệ thuật. Hầu như không có người nghệ sĩ nào không tranh thủ chớp lấy cơ hội ngàn vàng ấy cho sáng tác. Hiệu quả và chất lượng sáng tạo tùy thuộc phần nhiều vào cảm hứng. Một tài năng lớn như nhà văn Nguyễn Tuân khi “đầu ngòi bút không thấy động gió” thì cũng cảm thấy “tờ giấy trắng như hất ngang ngòi bút mình đi, cứ lặng lờ khước từ bất cứ ý định câu cú nào định ươm ướm thả xuống”. Không riêng gì văn chương, lao động nghệ thuật nói chung đều vậy. Cố nhiên, để có “những phút giây huyền diệu”, người nghệ sĩ không thể bị động trông chờ. Cảm hứng nghệ thuật sẽ không bất thần xuất hiện nếu ta “bỏ đói” nó.
Cảm hứng sáng tạo giúp năng lực hư cấu của người nghệ sĩ vận hành. Hư cấu nghệ thuật là quá trình nhào nặn chất liệu để thực hiện tốt nhất ý đồ nghệ thuật đang được ấp ủ. Đó là sự tập hợp, lựa chọn, sắp xếp tài liệu đời sống. Đó còn là sự cảm xúc hóa tài liệu bên ngoài. Không thể tạo nên hình tượng nghệ thuật sống động nếu “rèn nguội” chất liệu sáng tạo. Ở đây có vai trò đặc biệt của trí tưởng tượng phong phú cùng vốn hiểu biết, sự trải nghiệm của người nghệ sĩ. “Trí tưởng tượng là cái khuấy động ban đầu của nghệ thuật, là mặt trời vĩnh cữu và thần tượng” của nghệ thuật (Pautôpxki). Trí tưởng tượng cho người nghệ sĩ những gì mà thực tại không thể cho hoặc chưa kịp cho. Trí tưởng tượng lấp đầy khoảng trống cho hiểu biết và tư duy của nhà sáng tạo. Tuy nhiên, năng lực tưởng tượng lại tỷ lệ thuận với vốn sống, vốn hiểu biết của con người. Càng sống nhiều, sống tỉnh táo và say mê, sống có ý thức và trách nhiệm, người nghệ sĩ càng có điều kiện tung hoành trong đôi cánh diệu kỳ của tưởng tượng. Có thể nói, nếu hư cấu nghệ thuật là hành động tất yếu của người nghệ sĩ trong xây dựng hình tượng thì khả năng hư cấu nghệ thuật còn phụ thuộc nhiều vào phẩm chất của tài năng trong đó nổi bật là trí tưởng tượng nhạy bén và vốn sống dồi dào.
_________________________________________________  
Chương II
CÁC LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT
Hình thái học nghệ thuật là một ngành chuyên nghiên cứu các tác phẩm nghệ thuật nhằm đi tới phân loại chúng. Đây là công việc vừa có ý nghĩa lý luận sâu sắc lại vừa có ý nghĩa thực tiễn rộng rãi. Nó làm tăng tính tự giác trong sáng tạo của người nghệ sĩ và tăng tính hiệu quả trong cảm thụ của công chúng yêu nghệ thuật.
II.1. Những khuynh hướng sai lầm trong phân chia các loại hình nghệ thuật
II.1.1. Đối lập các loại hình nghệ thuật
Việc đối lập các loại hình nghệ thuật khác nhau đã xuất hiện từ rất xa xưa trong lịch sử mỹ học nhân loại. Ngay từ thời cổ đại Hy Lạp, Platon đã phân chia nghệ thuật thành hai loại “cao quý”  “thấp hèn”. Với ông, nghệ thuật là sự biểu hiện của thế giới “ý niệm” bên trên và xa rời thế giới “vật thể” tầm thường. Loại hình nào càng gần thế giới “ý niệm”, càng giúp cho con người nhận thức trực tiếp và sâu sắc thế giới đó càng được ông đề cao. Ngược lại, loại hình nghệ thuật nào càng gần thế giới vật thể, càng coi trọng nguyên tắc phản ánh hiện thực, thì với ông, càng ít giá trị, thậm chí có hại. Từ đó, Platon phủ nhận hội hoạ và điêu khắc, không tin vào sân khấu, trong khi đó lại đánh giá rất cao âm nhạc, kiến trúc và thơ trữ tình.
Đến thế kỷ XVIII, nhà mỹ học người Đức Kant vẫn tiếp tục phân chia nghệ thuật thành “thượng đẳng”  “hạ đẳng”, mặc dầu chỗ dựa có phần khác. Ông yêu cầu nghệ thuật phải mang vẻ đẹp “thuần túy”. Sự sáng tạo ra những hình thức đẹp “tự do”, “không vụ lợi” được Kant đặc biệt tán dương. Ông xếp âm nhạc, thi ca vào loại hình hoàn hảo vì chúng đáp ứng được những đòi hỏi của ông về thứ nghệ thuật lý tưởng. Nghệ thuật tạo hình như hội họa, điêu khắc mặc dù cũng được nảy sinh bởi ý thức sáng tạo tự do của người nghệ sĩ song ít nhiều đều bắt chước các hình thức tự nhiên bên ngoài nên đứng ở vị trí thấp hơn âm nhạc và thi ca.
Thật ra nghệ thuật không có thứ bậc cao thấp, sang hèn. Tính đa dạng của các loại hình nghệ thuật là để phù hợp với sự phong phú của hiện thực, sự độc đáo của cá tính sáng tạo và những nhu cầu thẩm mỹ khác nhau của công chúng. Sự giàu có của các loại hình nghệ thuật biểu hiện trạng thái giàu có của đời sống thẩm mỹ và nói riêng là của đời sống nghệ thuật. Đời sống văn hóa đạt đến trình độ phát triển không thể nghèo nàn và đơn điệu.
II.1.2. Đồng nhất các loại hình nghệ thuật
Từ chỗ quan niệm có hai thứ nghệ thuật “hoàn hảo”  “không hoàn hảo”, các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa đi tới xóa nhòa ranh giới các loại hình nghệ thuật. Họ chỉ thừa nhận có một loại hình duy nhất: nghệ thuật trừu tượng. Theo họ, đó là những đỉnh cao mà nghệ thuật muôn đời hằng vươn tới, là nơi gặp gỡ của những tài năng nghệ thuật thật sự vĩ đại.
Chủ nghĩa hiện đại đặc biệt xem thường những tác phẩm nghệ thuật hiện thực. Họ chế nhạo các nghệ sĩ hiện thực là nô lệ và khuôn sáo. Họ đòi hỏi “giải phóng” nghệ thuật ra khỏi những nguyên lý cũ kỹ trói buộc khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Với họ, nghệ thuật phải kiến tạo thế giới “thiên nhiên thứ hai” có khả năng thay thế “thiên nhiên thứ nhất”, nhưng là một thế giới khác, thậm chí xa lạ với thế giới hiện thực.
Chủ nghĩa hiện đại trong nghệ thuật đồng thời đề cao vai trò của vô thức, trực giác trong sáng tạo của người nghệ sĩ. Theo họ, sự khám phá của tâm lý học ở thế kỷ XX về thế giới tiềm thức sâu xa, vô hình trong con người đã trao vào tay người nghệ sĩ một vũ khí lợi hại, đã giúp lý giải lao động nghệ thuật một cách thấu đáo và thuyết phục nhất. Họ nhắm mắt tôn sùng một chiều học thuyết của Phrớt. Trên thực tế, họ đẩy hoạt động sáng tạo nghệ thuật vào mê cung của cái vô thức.
Với tất cả những đặc điểm vừa nêu, chủ nghĩa hiện đại cố nhiên chỉ tuyên truyền và chủ trương duy nhất loại hình nghệ thuật trừu tượng. Đó là thứ nghệ thuật “mới”, phi lý tính, phi hiện thực đủ loại. Việc đồng nhất hóa loại hình nghệ thuật chỉ chứng tỏ sự đơn điệu của thực tiễn sáng tạo và cảm thụ, sự nghèo nàn của cá tính nghệ thuật trong xã hội phồn vinh tinh thần một cách giả tạo.
Nói như vậy không có nghĩa là nghệ thuật trừu tượng không tạo ra được những giá trị được thừa nhận rộng rãi. Ở đây, ta chỉ muốn nhấn mạnh đến tính cực đoan trong quan niệm thẩm mỹ. Nghệ thuật có chỗ đứng cho mọi khuynh hướng, trào lưu. Cái đích chung của nghệ thuật là vì con người, sự tinh tế và giàu có trong đời sống tinh thần mà nói riêng là đời sống thẩm mỹ của con người và xã hội.
II.2. Các cách phân loại nghệ thuật hiện đại
Tiêu chí phân loại quyết định đến cách thức phân loại. Mỗi hệ tiêu chí đi liền với một hệ thống loại hình nghệ thuật tương đương.
Đặc điểm của hình thái học nghệ thuật hiện đại là không dựa vào một cơ sở duy nhất nào cả. Mục đích chính của sự định loại không nằm ngoài ý nghĩa của công việc. Phải làm sao để việc phân loại có tác dụng thiết thực đối với hoạt động sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật.
Muốn vậy, hình thái học nghệ thuật cần xuất phát từ tính chất của đối tượng thể hiện, đặc tính của tư duy hình tượng, phương thức tiếp nhận tác phẩm và những đặc điểm khác nhau trong việc sử dụng chất liệu và ngôn ngữ nghệ thuật. Sẽ không lạ nếu dựa vào cơ sở này thì một loại hình nào đó được xếp vào hệ thống này, còn dựa theo tiêu chí khác thì nó được xếp vào hệ thống hoàn toàn khác.
Sự phân loại chỉ là xét trên đại thể và mang tính tương đối. Thực tiễn nghệ thuật vô cùng sinh động. Mọi cách nhìn khuôn cứng đều tỏ ra không mấy thích hợp. Vì thế, không được đối lập các loại hình nghệ thuật với nhau. Mỗi loại hình nghệ thuật có sở trường, sở đoản riêng. Chúng bổ sung cho nhau, làm phong phú cho hoạt động nghệ thuật của con người, nhằm đáp ứng những nhu cầu thẩm mỹ nhau của xã hội.
II.2.1. Dựa vào đối tượng chủ yếu của sự phản ánh
Nếu xuất phát từ đối tượng chủ yếu của sự phản ánh nghệ thuật (hay tiêu chí bản thể), ta sẽ có hai loại hình lớn: nghệ thuật không gian và nghệ thuật thời gian.
Nghệ thuật không gian là nghệ thuật tĩnh bao gồm hội họa, đồ họa, điêu khắc. Ở đây, hình tượng được xây dựng bằng những ấn tượng thị giác. Màu sắc, hình dáng, đường nét được đặc biệt coi trọng. Chúng có thế mạnh trong việc thể hiện sự vật ở thế đứng yên trong quan hệ mật thiết với môi trường chung quanh. Hình tượng tĩnh của nghệ thuật không gian dễ tạo nên cảm nghĩ sâu sắc và lắng đọng trong tâm trí của người cảm thụ.
Nghệ thuật thời gian là loại nghệ thuật động bao gồm âm nhạc, văn chương, múa. Chúng có sở trường trong việc diễn tả quá trình của tâm trạng và hành động. Tính hợp lý trong sự vận động và biến đổi luôn được xem trọng. Người thưởng thức có điều kiện hòa nhập vào dòng chảy của con người và cuộc đời, cảm nhận được đến tận cùng lẽ biến huyền vi của tạo vật.
Ý thức được mặt mạnh và mặt yếu của mình, cả nghệ thuật không gian và nghệ thuật thời gian luôn bằng mọi cách có thể để phần nào khắc phục mặt hạn chế trong cách thức thể hiện của mình. Ở nghệ thuật tĩnh, các nghệ sĩ cố gắng tạo nên áo giác chuyển động trong những dạng thức đứng yên. Ngược lại, ở nghệ thuật động, các nghệ sĩ lại gắng tạo ra ảo giác về không gian và sự tĩnh tại.
II.2.2. Dựa vào tính chất chủ yếu của hình tượng
Hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng vừa phản ánh vừa biểu hiện. Tuy nhiên, có loại hình tượng nghiêng về việc tái tạo hiện thực khách quan và có loại hình tượng thiên về việc bày tỏ tâm tư của người nghệ sĩ. Xuất phát từ cơ sở này, ta có thể chia thành hai loại hình nghệ thuật: tạo hình  biểu hiện.
Hội họa (truyền thống), điêu khắc, tự sự (văn chương) được coi là nghệ thuật tạo hình hay mô tả. Còn âm nhạc, kiến trúc, trữ tình (văn chương) được xem là nghệ thuật biểu hiện hay không mô tả.
Việc phân chia nghệ thuật tạo hình hay biểu hiện chỉ là ước lệ nhằm chú trọng tới kiểu loại chủ yếu trong tư duy sáng tạo hình tượng. Chẳng hạn, một tác phẩm âm nhạc (thanh nhạc cũng như khí nhạc) chủ yếu là nhằm diễn tả tư tưởng, tình cảm của nhạc sĩ trước cảnh trí thiên nhiên và đời sống xã hội. Trong khi đó, một tác phẩm điêu khắc (tượng tròn hoặc tượng nổi) lại chủ yếu hướng tới việc thể hiện hình thể, dáng dấp, hành động của con người.
Mục đích sáng tạo gần như chi phối toàn bộ quá trình sáng tạo và đặc trưng của tư duy sáng tạo. Từ những mặt ưu thế và hạn chế của nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật biểu hiện, người nghệ sĩ có quyền chọn lựa và xử lý nhằm đạt đến hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Điều này biểu lộ rõ rệt trong văn chương. Có thể nói hầu như không có tác phẩm tự sự hay trữ tình thuần nhất. Đó là lý do của sự tồn tại song hành các thuật ngữ: tự sự – tính tự sự; trữ tình - tính trữ tình.
II.2.3. Dựa vào phương thức thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ
So với các giác quan khác, thính giác và thị giác có vai trò đặc biệt trong việc tiếp nhận giá trị thẩm mỹ nói chung và giá trị nghệ thuật nói riêng. Từ đó, ta có thể chia các tác phẩm thành ba loại: nghệ thuật thị giác (hội họa, điêu khắc, kiến trúc), nghệ thuật thính giác (âm nhạc) và nghệ thuật thính – thị giác (điện ảnh, sân khấu, vũ đạo).
Việc phân chia thành các loại hình nghệ thuật kể trên có cội rễ sâu xa trong hoạt động nhận thức của con người. Các ấn tượng thính giác và thị giác có ý nghĩa to lớn trong việc giúp con người cảm nhận thế giới. Ấn tượng thị giác gắn liền trước hết với không gian, góp phần chủ yếu xác định tính vật thể của sự vật, hiện tượng. Ấn tượng thính giác trước hết gắn với thời gian, chủ yếu biểu thị đời sống tinh thần của con người – một thực thể diệu kỳ của thế giới. Các ấn tượng thị giác và thính giác hỗ trợ nhau tạo ra sức mạnh của tri giác trực quan – giai đoạn đầu tiên đặt cơ sở cho toàn bộ quá trình nhận thức của con người.
Cảm thụ hình tượng thị giác và thính giác tùy thuộc vào nhiều điều kiện chủ quan và khách quan. Chúng để ngỏ nhiều khả năng chọn lựa cho phép con người hiện đại thỏa mãn được nhu cầu phong phú của mình ở mọi nơi mọi lúc.
II.2.4. Dựa vào chất liệu cơ bản để sáng tạo hình tượng
Cùng nhằm đồng hóa hiện thực bằng hình tượng, mỗi loại hình nghệ thuật lại dùng những chất liệu sáng tạo riêng. Dựa vào cơ sở này, ta có thể chia nghệ thuật thành bốn nhóm sau:
- Nghệ thuật sử dụng vật liệu tự nhiên như đá, gỗ, kim loại, sừng động vật… Ta thường gặp các chất liệu loại này trong điêu khắc, kiến trúc, nghệ thuật ứng dụng… Đặc điểm của cuộc sống và con người hiện đại là những nhu cầu vật chất cơ bản bước đầu được thỏa mãn, ý thức về vai trò của cảnh quan môi trường ngày một tăng. Vì thế, các tác phẩm nghệ thuật sử dụng các chất liệu tự nhiên càng có điều kiện phát triển rộng rãi, góp phần quan trọng vào việc thẩm mỹ hóa hoàn cảnh sống và làm việc của con người.
- Nghệ thuật sử dụng ngôn từ: văn chương. Ngôn từ như là công cụ sáng tạo của nhà văn không hoàn toàn là ngôn ngữ, cũng không hoàn toàn là từ ngữ. Ngôn từ là lời nói đặc biệt được sử dụng với sức mạnh nghệ thuật cao nhất. Đó chính là một trong những cơ sở để phân biệt văn với văn chương – hình thái nghệ thuật ngôn từ.
- Nghệ thuật sử dụng âm thanh: âm nhạc. Đây là một trong các loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời nhất và mang tính dân tộc rõ rệt nhất. Âm nhạc có hai nhóm lớn: nhạc hát (thanh nhạc) và nhạc đàn (khí nhạc). Người ta cũng có thể phân chia theo quy mô dàn nhạc thành: độc tấu, hòa tấu, giao hưởng…
- Nghệ thuật lấy chính con người làm chất liệu thể hiện (nghệ thuật diễn xuất và nghệ thuật trình diễn). Diễn viên, phương tiện chủ yếu trong sân khấu, điện ảnh, vũ đạo, ngâm thơ… có những yêu cầu sáng tạo riêng. Họ chịu sự quy định nghiêm ngặt của kịch bản văn chương, kịch bản dàn dựng, bài thơ… Họ đồng thời phải tuân thủ ý đồ nghệ thuật của đạo diễn. Song, sự đòi hỏi năng lực và phẩm chất nghệ sĩ ở họ cũng rất lớn. Nếu không đã không có những ngôi sao, siêu sao trên sàn diễn và màn bạc.
II.2.5. Dựa vào một số tiêu chí khác
Ngoài những cơ sở chính kể trên, hình thái học nghệ thuật hiện đại còn có thể xây dựng trên một số tiêu chí khác tùy vào mục đích phân loại.
Dựa vào tiêu chí tính năng, người ta chia thành nghệ thuật thuần nhất (hay nghệ thuật đơn tính) và nghệ thuật ứng dụng (hay nghệ thuật lưỡng tính). Xã hội càng văn minh, nghệ thuật ứng dụng càng phát triển. Ở nghệ thuật ứng dụng, tính năng lợi ích và tính năng thẩm mỹ gắn bó với nhau, trong đó cái đầu chi phối quyết định cái sau. Nghệ thuật thuần nhất cũng thường có cả mặt thực dụng. Chẳng hạn trong âm nhạc có cả nhạc nhảy, nhạc nghi lễ, nhạc hành quân…
Dựa vào sự lệ thuộc lẫn nhau, ta có loại nghệ thuật có trước và loại nghệ thuật có sau. Nghệ thuật biên kịch, âm nhạc, kịch bản điện ảnh, kịch bản múa… là nghệ thuật có trước. Sân khấu, biểu diễn âm nhạc, điện ảnh, biểu diễn múa… là nghệ thuật có sau.
Dựa vào tính chất của sự tồn tại, người ta chia thành hai loại: nghệ thuật độc lập  nghệ thuật tổng hợp. Có loại hình nghệ thuật được tổng hợp từ hai yếu tố như ca khúc (âm nhạc và văn chương), vũ đạo (múa và nhạc). Lại có nghệ thuật tổng hợp nhiều phương tiện của các loại hình khác nhau như sân khấu, điện ảnh…
Ngoài ra, người ta còn kể tới nhiều cơ sở phân loại khác như: trình diễn – không trình diễn, ngôn ngữ – phi ngôn ngữ…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét