Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

Tương lai bắt đầu từ thực tại buồn chán – quên đi để tiếp tục sống


Mưa… mưa hoài… mưa miết…
Tây Nguyên - miền đất đỏ bazan với hai mùa mưa nắng. Tháng 9 là tháng bắt đầu mưa những cơn mưa dài và nặng hạt hơn. Không khí âm u khiến người ta nghĩ về một cái gì đó vừa gần vừa xa, vừa có thực lại vừa hư hư ảo ảo.
Ai cũng có tâm trạng, thế nhưng không ai có thể mình diễn tả cho người khác hiểu được mình đang nghĩ gì, nhất là khi đang vướng mắc vào một điều gì đó. Thế rồi, đành phải mượn lấy cây viết, trang giấy hay chiếc máy vi tính làm phương tiện để xua đi những muộn phiền của thực tại, thế là sinh ra cái gọi là nhật kí.
Với tâm trạng không ổn, đôi khi người ta muốn viết thật nhiều, nhưng rồi chưa chắc họ đã viết được gì cả. Tôi cũng vậy, ngay bây giờ, tôi muốn viết thật nhiều, thật nhiều, nhưng rồi không thể. Trạng thái ấy cứ giống như điều gì đó phút chốc ẩn hiện, miên man trong dòng cảm xúc mà không thể chống chế.
Ai cũng có một khối óc, một cái đầu. Thế nhưng, đầu óc đó thật không bình thường, nó suy nghĩ quá nhiều. Nó đặt ra những vấn đề mà ngay cả thực tế hiện thực cũng không có. Nó không bao giờ chấp nhận và xuôi thuận cái đang có, mà muốn cái phải có. Điều đó được gọi là chứng hoang tưởng mà con người hầu như ai cũng có.
Thế rồi, nó cứ cố giải thích, để giành một chiến thắng, dù chỉ là hư vô. Còn khi bế tắc, chúng không chịu thất bại, vậy là nó bắt cả cái đầu làm việc suốt ngày đêm, ngay cả khi chúng ta đi ngủ. Vậy là sinh ra chứng mất ngủ.
Cứ nghĩ rằng ai trong chúng ta có vốn sống phong phú hơn thì sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, cứ nghĩ rằng họ sẽ có nghị lực để vượt qua bất cứ điều gì trong cuộc sống. Không hẳn thể, vì thực sự cuộc sống này có nhiều tình huống khác nhau, và mỗi người tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình để đưa ra những lựa chọn đúng đắn nhất. Vượt qua ngọn núi này sẽ có ngọn núi kế tiếp, có thể sẽ cao hơn. Điều đó buộc bạn phải lựa chọn: hoặc là cố gắng hết mình để vươn lên, hoặc là buông xuôi khi cảm nhận là mình không thể.
Theo cách lý giải của xã hội học về vấn đề hành động xã hội là phản ứng với xung quanh thì cuộc sống của chúng ta giống như một vở kịch. Chúng ta hành động mà quan tâm đến cảm giác và phản ứng của người khác nhiều hơn là của chính bản thân mình. Chúng ta cười cười nói nói suốt ngày, nhưng cũng chẳng biết chúng ta thật lòng khoảng bao nhiêu phần trăm. Chúng ta đau khổ, buồn chán nhưng phản ứng trước người khác thông thường là ngược lại. Điều đó vô tình khiến chúng ta trở thành diễn viên đang che đậy hầu hết những thứ có liên quan đến cuộc sống của mình. Chúng ta trở nên lặng lẽ khi ở một mình, đăm chiêu suy nghĩ về những thứ rất gần, rồi xa dần; những thứ nhỏ bé, rồi lớn lao,… Lật lại kí ức, nghi ngờ tương lai là bản tình mà con người không bao giờ có thể thay đổi được. Điều này giải thích được vì sao nhưng người nghĩ quá nhiều ít khi có được cuộc sống hạnh phúc. Có lẽ… một người có trí nhớ tốt cộng với cuộc sống nội tâm sâu sắc thì thông thường sẽ nhận được…đau khổ.
Những ngày vui, có những giờ phút thoải mái, chúng ta ăn ngon hơn, ngủ nhiều hơn. Nhưng đôi khi chỉ vì một chuyện không đâu, xảy ra từ rất lâu mà khiến cho chúng ta cứ phải nghĩ miết. Và kết cục cũng chỉ là những đêm thao thức vì không thể ngủ.
Có lẽ, chúng ta nên bớt đi những suy nghĩ làm cho chúng ta mệt mỏi. Những gì xảy ra bên ngoài cuộc sống mà bộ óc của chúng ta cứ suy nghĩ thì hãy tìm cách loại bỏ ngay. Nhưng điều đó chắc chắn là không dễ dàng một chút nào. Chính vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng tập luyện, và chúng ta sẽ cảm nhận được sự thay đổi đó. Hãy mang những ưu tư vào nơi sâu thẳm của tâm hồn và cố gắng làm cho nhưng niềm vui có được ngày càng trọn vẹn hơn.
Con đường phí trước thật xa và dài, chúng ta sẽ không thể bước tiếp nếu những nỗi buốn còn chồng chất trên vai. Cả một chân trời mới, chân trời đầy tình yêu và hạnh phúc đang chờ bạn ở phía trước, nơi đó cần một con người mới – mạnh mẽ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét